Những thiên thần nhỏ thật đáng yêu và cha mẹ luôn muốn được ở bên cạnh những thiên thần của mình mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng, bế bồng hay địu bé trong thời gian dài đôi khi cũng làm cho các ông bố, bà mẹ vất vả và một chiếc xe đẩy như là một chiếc nôi di động là một lựa chọn hợp lý...
Ngại mình vụng về, anh Văn Trường (quận 5) thường để vợ ẵm con khi đi đâu đó. Do phải bế bé trong một thời gian dài nên vợ anh bị đau lưng và khi anh gợi ý đi du lịch, chị từ chối bởi lo lắng, không biết làm thế nào để đưa bé đi cùng. Với chiếc xe đẩy mới mua, anh Trường đã tự tin đưa bé con bốn tháng tuổi đi tắm nắng, mua sắm, thăm viếng ông bà, còn vợ anh thì thong thả mang theo túi đựng đồ dùng cho bé.
Hiện trên thị trường xe đẩy rất đa đạng, chủ yếu là xe nhập khẩu từ Đức, Mỹ, Anh, Thái Lan, Trung Quốc... Có thể dễ dàng tìm mua xe đẩy ở các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng đồ dùng cho mẹ và bé như Concung.com, Mẹ và Bé, Tuticare, Bobbymart với đa dạng giá cả, khoảng 400.000 đồng đến 5 triệu đồng/chiếc cho dòng xe trung cấp. Ngoài ra, còn có một số loại xe cao cấp, giá có thể trên 10 triệu đồng.
Một chiếc xe đẩy thường bao gồm các bộ phận: tay cầm, khung đỡ, đệm ngồi, dù che, bánh xe, thắng, chốt khóa bánh xe, đai an toàn và một số phụ kiện khác như túi đựng đồ, bàn để chân, bàn ăn… Các bộ phận này có thể tháo rời để vệ sinh và đem theo khi di chuyển.
Chọn xe theo mục đích sử dụng
Trên thị trường hiện có nhiều thương hiệu, kích cỡ xe nhưng chủ yếu là ba dòng xe chính: xe đẩy đa năng, xe đẩy du lịch và xe đẩy hai chiều. Tùy theo nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng có thể lựa chọn xe với những tính năng phù hợp.
Nếu cha mẹ thường xuyên đi du lịch hoặc đưa bé đi thăm thú nhiều nơi, thì một chiếc xe đẩy nhẹ nhàng, gọn gàng và có thể gấp mở được là một sự cần thiết. Dòng xe đẩy du lịch với thiết kế thuận lợi cho việc mang, vác khi di chuyển. Dòng xe này có khung bằng nhôm, mái che bằng dù, đệm lót lưng mỏng, đàn hồi và ít các phụ kiện đi kèm để có thể gấp lại dễ dàng khi đem đi xa. Tuy nhiên do không có bàn ăn, túi đựng đồ nhỏ nên người lớn phải chuẩn bị thêm túi, ba lô thay thế. Hầu hết xe đẩy du lịch chỉ có thể điều chỉnh đệm ngồi thẳng đứng hoặc đệm nghiêng, chứ không thể ngả người về sau hẳn như các loại xe khác.
Để đưa bé đi tắm nắng, dạo công viên cùng gia đình, người mua nên chọn xe đẩy đa năng hoặc xe đẩy hai chiều. Xe đẩy đa năng có ưu điểm là điều chỉnh được đệm lót giúp bé ngồi nghiêng, ngồi thẳng hay nằm hẳn trong lòng xe khi buồn ngủ. Xe được trang bị nhiều phụ kiện như bàn ăn, túi đựng tã, đồ chơi... biến xe đẩy thành chiếc nôi, bàn ăn thu nhỏ. Phần đệm của một số xe đẩy đa năng có thể tháo rời và dùng làm ghế ngồi cho bé khi di chuyển trên xe ô tô. Vì thế, xe đẩy đa năng thường nặng, cồng kềnh hơn xe đẩy du lịch và chiếm nhiều diện tích dù đã tháo rời từng bộ phận.
Có những đặc điểm của xe đa năng nhưng xe đẩy hai chiều được thiết kế có tay cầm có thể xoay 1800. Xe có tư thế đẩy: sau lưng và trước mặt bé. Loại xe này giúp người đẩy vừa giữ xe di chuyển vừa có thể trò chuyện, quan sát cử chỉ của bé. Ngoài ra, nếu muốn cùng bé vui đùa, có thể chọn loại xe có tính năng bập bênh. Bằng cách điều chỉnh bánh xe, xe đẩy sẽ trở thành chiếc bập bênh giúp bé ngủ hoặc giải trí.
Đối với các bé sinh đôi, có thể chọn hai chiếc xe đẩy rời nhau hoặc chọn loại xe đẩy đôi. Với xe đẩy đôi, hai bé có thể nằm cạnh nhau, cùng chơi đùa và bố mẹ có thể để mắt đến hai bé cùng lúc.
[box type="download"] Dùng xe đẩy đúng cách
Đẩy xe tưởng chừng là một việc đơn giản, nhưng thực tế thì không phải như thế. Với những người lần đầu sử dụng xe đẩy thì những chuyên gia khuyên nên tuân thủ các nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho bé:
- Luôn kiểm tra xe đẩy trước khi sử dụng bởi trong quá trình xếp, vận chuyển có thể vô tình tác động đến một số bộ phận của xe làm ảnh hưởng đến độ an toàn. Trước khi sử dụng nên kiểm tra tổng thể các bộ phận quan trọng như ốc vít, đệm nằm, đai an toàn, chốt khóa, mái che...
- Luôn để xe đẩy tiếp xúc với mặt đường bằng tất cả các bánh xe để đảm bảo độ cân bằng của xe.
- Khi đến những đoạn dốc hoặc lồi lõm nên bế bé ra khỏi xe hoặc nâng toàn bộ xe đẩy lên, đưa qua khu vực đó để bé không bị sốc. Tránh di chuyển xe đẩy bằng một bên bánh xe hoặc nhấc đầu xe đẩy lên để di chuyển bằng hai bánh sau.
- Luôn khóa chốt an toàn khi dừng xe hoặc làm một việc gì đó và đeo đai an toàn cho bé mọi lúc.
- Khi qua đường, đợi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ khoảng 3-5 giây rồi mới đẩy xe. Người đẩy cần đảm bảo các xe đã dừng lại và không nên cố qua đường khi đèn chuyển từ xanh sang vàng.[/box]
Người nằm không sợ sệt
Thông thường xe đẩy được sử dụng cho bé 3-18 tháng tuổi.
Khi bé chưa đủ 3 tháng tuổi, bố mẹ nên hạn chế việc cho bé sử dụng xe đẩy bởi lúc này xương sống của bé còn yếu, nếu độ nghiêng của đệm không phù hợp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Ngoài ra, việc di chuyển trên đường có thể làm cho bé bị sốc.
Bé từ 3 tháng tuổi đến dưới 6 tháng tuổi có thể ngồi xe đẩy vì lúc này xương cột sống của bé đã khá cứng cáp. Lúc này bé chưa thể ngồi, vì vậy nên lựa chọn loại xe có đầy đủ các tư thế: nằm, ngả, ngồi. Nên chọn những chiếc xe đẩy được hai chiều giúp bố mẹ có thể giao tiếp với bé khi đưa bé ra ngoài, bé sẽ cảm thấy thích thú, không sợ sệt khi ngồi trên xe đẩy.
Với những bé từ 6 tháng tuổi trở lên thì chọn xe đẩy hai chiều hay một chiều đều phù hợp, vì lúc này bé đã biết ngồi và “quen” với cuộc sống xung quanh nên không còn sợ hãi.
Ngoài chọn xe đẩy theo độ tuổi, tùy theo trọng lượng của bé mà bố mẹ nên nhờ người tư vấn chọn loại xe thích hợp bởi tùy theo từng nhà sản xuất mà trọng lượng tối đa của các dòng xe sẽ khác nhau.
[box type="download"] Bảo quản xe
Nhiều người cho rằng vệ sinh xe đẩy hàng ngày sẽ giúp xe sạch sẽ, nhưng trên thực tế thì lại làm giảm thời gian sử dụng của xe. Chỉ giặt đệm ngồi, dù bằng tay rồi phơi vừa khô (không phơi lâu dưới ánh nắng gắt). Gấp gọn xe và phủ nylon hoặc bao xốp khi không còn sử dụng hoặc để dành cho bé sau này.
Các bộ phận của xe đẩy thường không bán lẻ ở ngoài thị trường nên khi xe đẩy bị hư, gãy bộ phận nào đó nên đem đến chỗ bảo hành để nhà sản xuất thay bộ phận mới. Vì thế nên chọn mua xe của những hãng sản xuất có đại lý để có thể nhận được sự hỗ trợ sớm nhất.[/box]
Người đẩy cũng phải thoải mái
Các hãng sản xuất xe đẩy thường thiết kế chiều cao của khung xe khác nhau, phù hợp với từng thể trạng của người sử dụng. Ví dụ, dòng xe đẩy dành cho những người Âu Mỹ thường cao hơn chiều cao của các dòng xe sản xuất dành cho người châu Á. Khi mua xe đẩy, người mua nên đặt tay lên tay cầm, đẩy thử một đoạn ngắn để kiểm tra xem độ cao của xe đẩy có phù hợp với mình hay không. Nếu cảm thấy không thoải mái, cân bằng khi đẩy vì phải với tay lên cao hoặc chùng người xuống thì nên thử với một chiếc xe đẩy có kích cỡ chiều cao khác.
[box type="download"] Kiểm tra xe trước khi mua
* Kiểm tra bánh xe: Bánh xe là bộ phận quan trọng mà người mua cần kiểm tra đầu tiên. Đây là nơi tiếp xúc giữa xe đẩy và mặt đất, vì thế bánh xe phải đảm bảo độ chắc chắn, khi đẩy phải êm, không có cảm giác chênh vênh, khập khiễng.
* Độ cân bằng: Người mua có thể thử độ cân bằng của xe bằng cách so sánh xe ở hai trạng thái: đứng yên và lúc đẩy. Xe không được phép nghiêng về một phía (trái, phải) hoặc chênh về phía trước/ngả về sau, bốn bánh xe phải cùng chạm đất.
* Chốt xe: Kiểm tra chốt xe bằng cách ấn khóa chốt. Nếu khóa tốt sẽ cảm thấy dùng lực nhẹ, chốt trượt xuống dễ dàng và đẩy thử thì xe không di chuyển. Đừng nên bỏ qua yếu tố này bởi vì đây sẽ là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn của xe.
Khi dừng xe lại để làm một việc gì đó hoặc cho bé ngắm cảnh, nên khóa chốt để giữ xe đứng yên. Đối với xe đẩy một chiều thì hai chốt xe nằm ở bánh xe sau, và phải khóa cả hai bánh xe. Trong trường hợp khóa một bánh xe, khi bé chồm người về phía trước hoặc cử động, xe có thể sẽ di chuyển ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.
* Tay cầm: Xe đẩy có hai loại tay cầm phổ biến: tay cầm ngang (thanh ngang nối dính liền với khung xe) và tay cầm hướng về phía trước. Tay cầm hướng về phía trước giúp người đẩy giữ phần bụng và hông không bị va chạm với khung xe và có thể gần bé hơn. Tuy nhiên loại tay cầm khó điều khiển hơn tay cầm ngang.
* Đai an toàn: Để giữ cho bé không bị ngã ra khỏi xe đẩy, nhà sản xuất có gắn đai an toàn vào khung xe. Người mua nên thử độ chắc chắc của dây đai, nút khóa và các mối nối giữa dây đai và xe.
* Chất liệu đệm nằm, mái dù: Nên kiểm tra chất liệu đệm nằm có đảm bảo độ thoáng khí hay không. Thông thường đệm nằm được làm từ vải kaki, bông lót hơi mỏng kết hợp với lưới để tạo độ thoáng. Người mua nên thử điều chỉnh độ nghiêng của đệm, dùng tay ấn xuống đệm để kiểm tra độ chịu lực.
Một số mái dù của xe đẩy có thể che hết phần lòng nôi của xe, nhưng cũng có loại chỉ che một phần. Người mua cũng nên kiểm tra mái dù bằng cách mở ra, gấp lại xem dù có bị rách không, độ dài và che phủ của dù có phù hợp với nhu cầu sử dụng chưa. Có những loại dù thiết kế để chống muỗi bằng một lớp nylon phủ dài xuống chân bé, vì thế người mua cần kiểm tra độ thoáng của dù, tránh để bé bị ngộp.[/box]
Quỳnh Vân