Thứ sáu, Tháng năm 16, 2025

Chưa kịp giàu đã già

Trúc Diễm -

Trong khi các quốc gia trên thế giới giàu rồi mới già thì Việt Nam đang bước vào cơ cấu dân số già. Một số chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong số những nước khi kinh tế còn bề bộn khó khăn thì người dân đã già.

Gánh nặng

nguoigiaNgười già vẫn phải tự lao động để nuôi bản thân. Ảnh: Trúc Diễm

Bà Chung (77 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) đang sống với người em là bà Thủy (74 tuổi). Cả hai bà đều bệnh tật khoảng 10 năm nay, người thì bị bệnh tai biến, người thì bị bệnh viêm dây thần kinh. Do con cái đi làm xa nhà nên hai bà dọn sang ở chung để cùng chăm sóc nhau. Tổng tiền lương hưu của hai bà khoảng sáu triệu đồng nhưng chi cho thuốc thang hết quá một nửa số tiền. Hai bà cũng không có điều kiện đi xa khám bệnh mà chủ yếu mua thuốc của hiệu thuốc gần nhà, và tất nhiên là không được hưởng các chính sách của bảo hiểm y tế (BHYT).

Kém may mắn hơn, bà Tâm (85 tuổi, ở thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) không có bất kỳ một khoản thu nhập nào ngoài khoản tiền gần 300.000 đồng/tháng trợ cấp cho người cao tuổi. Bà không có chồng, có con để chăm sóc, san sẻ gánh nặng nên bà phải dọn đến ngôi chùa gần nhà để ở. “Hàng ngày tôi dọn dẹp chùa và ăn cơm chùa. Thỉnh thoảng hàng xóm cũng có qua, người cho ít gạo, người cho ít tiền. Chắt chiu rồi cũng đủ sống. Nhưng tôi lo là nếu có bệnh tật gì thì không biết lấy tiền đầu để chữa chạy”, bà Tâm nói.

Đó chỉ là hai ví dụ điển hình về cuộc sống của những người lớn tuổi ở Việt Nam, nơi đang có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm cao trên thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Việt Nam bắt đầu chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang già hóa dân số từ năm 2011, và chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.

Nếu như năm 1979, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) ở Việt Nam chỉ là 6,9% thì hiện nay con số này đã lên tới 10,5%. “Ở các nước người ta giàu rồi mới già, còn ở Việt Nam thì chưa giàu đã già. Đất nước còn đầy rẫy khó khăn mà dân số đã già”, ông Đàm nói.

Hiện nay, cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi nhưng do nguồn lực trong nước còn yếu và thiếu nên người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Theo đó, chỉ những người trên 80 tuổi mới được tiền trợ cấp và số tiền này mới được nâng lên mức 270.000 đồng/tháng hồi đầu năm 2016. Tuy vậy, vẫn còn khoảng trên 62% số người cao tuổi không có lương hưu hoặc hưởng trợ cấp từ nhà nước.

Cơ cấu gia đình thay đổi

Nếu như trước đây, người già thường sống dựa vào con cháu thì nay cơ cấu gia đình đã thay đổi. Tỷ lệ sinh thấp, tình trạng di cư và quá trình toàn cầu hóa đã thay đổi cấu trúc gia đình và giá trị văn hóa lâu đời. Có một thực tế đang xảy ra là số lượng người già phải tự lo cho bản thân mình ngày càng lớn trong khi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc y tế lại quá mỏng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ. Điều tra gần đây của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho thấy, có gần 20% người cao tuổi sống dưới mức nghèo, hơn một phần ba trong số họ vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức với thu nhập không ổn định và thấp.

Hiện nay, trên 72% người cao tuổi đang sống cùng con cháu nhưng con số này sẽ giảm đáng kể khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Đồng thời, tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất gặp khó do thiên tai dịch bệnh nên đời sống người cao tuổi vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, già hóa dân số đang đặt ra thách thức rất lớn cho ngành y tế khi chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp 8-10 lần người trẻ. Số người cao tuổi chiếm 10% dân số nhưng sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm.

Già hóa dân số còn đang gây áp lực lớn lên Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt nam, nếu như trước đây thời gian hưởng lương hưu bình quân khoảng 13 năm thì nay con số này đã lên tới 19 năm. “Số năm hưởng lớn như vậy đã gây áp lực trong việc cân đối quỹ”, ông Liệu nói.

 Tăng tuổi nghỉ hưu?

Một số chuyên gia cho rằng, nếu không có những giải pháp ngày hôm nay thì già hóa dân số sẽ trở thành thách thức không nhỏ với nền kinh tế. Tại buổi hội thảo về già hóa dân số diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng này.

Ông Michael Herrmann, Tư vấn cấp cao về kinh tế và quản lý quỹ sáng tạo của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ, đưa ra ba gợi ý về chính sách để ứng phó lại với tình trạng già hóa dân số. Một là cân nhắc lại tuổi nghỉ hưu và tuổi nhận lương hưu. Hai là đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là phụ nữ. Ba là tăng cường hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội.

Theo ông Herrmann, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới không chắc chắn, các quốc gia đang phải vật lộn với việc giảm lực lượng lao động, tăng chi phí y tế, trợ cấp cao tuổi và lương hưu. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống, cần phải thay đổi các chính sách hiện có để những chính sách ngày hôm nay sẽ giải quyết được thách thức về già hóa dân số sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt. Điều này đòi hỏi các quốc gia, trước tiên phải tạo điều kiện để cho người cao tuổi được làm việc lâu hơn theo cách phù hợp với tuổi của họ. Bên cạnh đó, phải có chính sách tuyển dụng thân thiện với người cao tuổi, chính sách về hưu linh động và đầu tư cho nguồn nhân lực.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH cũng đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 theo hướng sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Theo đó, nam tăng từ 60 lên 62 tuổi, nữ tăng từ 55 lên 58 hoặc 60 tuổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vào hè, đến Côn Đảo lặn biển ngắm san hô

0
(SGTT) - Từ tháng 4 đến tháng 10, biển Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Sóng...

Đổi vị bữa sáng với hủ tiếu mì bò viên ở...

0
(SGTT) - Khác với món hủ tiếu mì bò viên truyền thống, hủ tiếu mì bò viên vị Hoa có thêm một số thức...

TPHCM sẽ thu tiền gom rác theo kilogram từ 1-6

0
(SGTT) - Từ 1-6, TPHCM sẽ áp dụng mức thu phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tính theo khối...

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào mùa đổ ải

0
(SGTT) - Thời điểm này, người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang tất bật bước vào vụ trồng cấy...

Đề xuất chi hơn 5.000 tỉ đồng cho dự án chống...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, trước thực trạng nhiều điểm xung quanh chợ Thủ Đức ngập nặng trong thời gian qua, UBND thành phố Thủ...

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh...

0
(SGTT) - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), nhiều di tích, điểm du lịch...

Kết nối