Thứ năm, Tháng năm 15, 2025

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Mỹ cảm mới là điều quan trọng!

NGUYỄN TỊNH THẠCH -

Bộ phim Vĩnh cửu (Éternité) của đạo diễn Trần Anh Hùng ra rạp tuần qua đang gây tranh luận trên các diễn đàn điện ảnh trong nước và thế giới. Tranh luận bởi một ý hướng làm phim quá thiên về mỹ cảm, tính thơ, đề cao cảm xúc lại là một sự thách thức với những ai coi phim phải là câu chuyện hay xem phim để hiểu.

dao-dien-tran-anh-hung-gap-go-khan-gia-tai-duong-sach-nguyen-van-binh-tphcmĐạo diễn Trần Anh Hùng gặp gỡ khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM.

Buổi gặp gỡ khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM) sáng ngày 7-9, nhân dịp ra mắt nguyên tác Nét duyên góa phụ của Alice Ferney có in kèm kịch bản phim Vĩnh cửu (do chính Trần Anh Hùng chuyển thể, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn ấn hành, 2016), Trần Anh Hùng chia sẻ nhiều điều về sự dịch chuyển trong quan niệm làm phim của anh ở thời điểm này. Những chia sẻ chỉ vài giờ trước khi bộ phim được chiếu ra mắt có thể xem là một “bảng chỉ dẫn” hay “hướng dẫn sử dụng” để người xem phim có thể tiếp cận với tác phẩm điện ảnh đạo diễn người Pháp gốc Việt này.

Trước hết, nhận định về cuốn tiểu thuyết Nét duyên góa phụ, theo đạo diễn Trần Anh Hùng, đây là một tác phẩm không có cốt truyện rõ ràng nhưng chứa đựng nhiều cảm giác và giàu chất thơ, nhiều suy tư về thời gian và cuộc đời. Câu chuyện về những người phụ nữ trôi qua trong cuộc đời được tái hiện vừa buồn bã, vừa lấp lánh hạnh phúc. Những biến cố đời sống, lịch sử và cả vòng thời gian của một thế kỷ chỉ thấp thoáng bên ngoài, phía sau những lát cắt sự kiện trong cuộc đời họ.

“Vì thế, khi chuyển thể thành kịch bản phim, tôi không cố tạo dựng ra câu chuyện cho điện ảnh của mình, mà đi vào khai thác chất thơ, sự ý vị của tác phẩm văn chương. Đó là những giao cảm của cá nhân tôi với tác phẩm của Alice Ferney trong nghệ thuật. Tôi không quan tâm đến việc người xem có hiểu hay hiểu thế nào về bộ phim, nhưng quan tâm nhiều hơn đến việc cần thiết phải tạo ra một sự lan truyền mỹ cảm, sức ám ảnh của cái đẹp từ màn ảnh. Rõ ràng, chúng ta đã không thể hiểu một bức tranh trừu tượng nói gì, mà chỉ có cảm nhận, xúc cảm dấy lên trong mỗi người là điều quan trọng nhất. Đó là đích đến của nghệ thuật” – Trần Anh Hùng nói.

“Làm phim không để hiểu”, đó là điều được đạo diễn này nhấn mạnh nhiều lần, trước rất nhiều câu hỏi của khán giả. Và có thể cũng chính điều này báo trước về sự thiếu tích cực trong khả năng thâm nhập đại chúng của bộ phim được giới chuyên môn (mỉa mai) cho là “làm phim cho mình xem” này của ông và những nhà làm phim tác giả, thể nghiệm (avant-garde).

“Xáo trộn, làm loạn lên sự nhạy cảm của người xem để rồi từ đó, thay đổi cách nhìn, cách cảm nhận đời sống trở nên tinh tế hơn”, đó là điều mà Trần Anh Hùng chia sẻ trong giai đoạn cách tân nghệ thuật điện ảnh này của mình.

Với Vĩnh cửu, ông chỉ hé lộ một thông điệp: “Khi đàn ông và đàn bà tìm kiếm và đến với nhau bằng những rung động xác thịt, bằng cảm xúc, bản năng và tình yêu, họ tạo ra những đứa trẻ. Và đó là cách làm cho cuộc sống của họ tiếp tục và trở thành vĩnh cửu”.

Bộ phim là cảm thức về thời gian và phận người. So với những phim trước như Mùi đu đủ xanh, Xích lô hay Rừng Na Uy, bộ phim này khó đoán định về cấu trúc cũng như dòng chảy chủ đạo. Có thể xem đó là một bài thơ điện ảnh với khung hình trau chuốt, hài hòa với âm nhạc… tất cả tạo nên sự “cực đoan” đến cùng của người làm phim duy mỹ.

“Có kỹ xảo. Đây là bộ phim mà tôi phải dùng đến 8 tháng cho hậu kỳ, xử lý kỹ thuật, nhưng khi xem lại, chắc chắn bạn sẽ chẳng thấy có một dấu vết kỹ xảo gì”, ông nói.

Bộ phim được đầu tư với kinh phí 14 triệu đô la Mỹ. Trần Anh Hùng cho biết, sau khi kịch bản hoàn thiện, ông mất ba năm để tìm kiếm nguồn kinh phí thực hiện và nhà sản xuất. Trước câu hỏi liệu những thể nghiệm điện ảnh như thế có bán được không, ông nói: “Dĩ nhiên là bán được, nếu không, lấy tiền đâu sống và làm phim tiếp theo!”.

Vĩnh cửu có sự tham gia của bộ ba nữ minh tinh tài năng người Pháp Mélanie Laurent, Audrey Tautou, và Bérénice Bejo, Giám đốc nghệ thuật Trần Nữ Yên Khê và nhà sản xuất Christophe Rossignon.

[box] Trần Anh Hùng (sinh năm 1962) là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt, được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Ông là đạo diễn của Mùi đu đủ xanh (L’Odeur de la papaye verte), bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Ngoài ra, Trần Anh Hùng cũng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh khác và nhiều phim có tiếng vang như Xích lô, Hòn vọng phu, Mùa hè chiều thẳng đứng, Rừng Na Uy…[/box]

Và cuối cùng, một bộ phim chính là một cuộc theo đuổi cái đẹp trong đời sống. “Chất liệu của cái đẹp trong đời sống, với tôi thật giản đơn. Tôi đã từng đi “thực tế” nhiều ngày để thực hiện phim Xích lô. Nhưng chẳng thấy gì cả. Thực tế về cái đẹp không nằm ở những cuộc kiếm tìm lý tính mà nằm ở những cảm nhận đời sống tinh tế. Một đốm xanh của lá cây loáng trên bức tường, vài bóng nắng chiều muộn đổ xuống góc đường hay đó có thể là vài hạt xôi sót trên lá chuối sau phần xôi điểm tâm… Tất cả có một sức gợi mở. Nếu nhạy cảm, chúng ta sẽ thấy đó chính là cái đẹp của đời sống”, đạo diễn phim Vĩnh cửu chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM thêm trang web đăng ký tuyển sinh đầu cấp

0
(SGTT) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, phụ huynh học sinh có thể sử dụng thêm địa chỉ trang web là...

Xăng dầu cùng tăng giá

0
(SGTT) - Từ 3 giờ chiều nay (15-5), Liên bộ Công Thương - Tài chính đã tăng giá bán lẻ với các mặt hàng...

Đã đến lúc xem điện ảnh và âm nhạc là sức...

0
(SGTT) - Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến toàn cầu, Việt Nam đang có cơ hội đặc biệt để mở...

Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là di sản...

0
(SGTT) - Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được đưa vào danh mục Di sản văn hóa...

Bất chấp thuế nhập khẩu và giá tăng, Ferrari vẫn ‘cháy...

0
(SGTT) - Dù Ferrari đã tăng giá một số mẫu xe tới 10% để bù đắp tác động từ thuế nhập khẩu do Trump...

Công trình di sản xanh đầu tiên tại Việt Nam

0
(SGTT) - Điện Thái Hòa được xem là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn, nơi từng tổ chức các nghi lễ trọng đại,...

Kết nối