Sàn Art, tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận độc lập đang được xem là một sân chơi cho các họa sĩ trẻ sáng tác, học tập. Đây như một địa điểm cho công chúng yêu nghệ thuật tìm hiểu về nghệ thuật đương đại, xem những tác phẩm được sáng tác bởi các họa sĩ trẻ trong và ngoài nước.
Sàn Art được thành lập năm 2007 bởi họa sĩ Mỹ gốc Việt Dinh Q Le và ba nghệ sĩ Việt Nam đương đại – Tuấn Andrew Nguyễn, Hà Thúc Phù Nam và Tiffany cùng với sự trợ giúp của tổ chức Vietnam Foundation for the Arts (VNFA). Sàn Art gồm phòng trưng bày, phòng đọc và studio để tổ chức các triễn lãm phi lợi nhuận; hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật thực hành thử nghiệm cho các họa sĩ trẻ trong nước; các chương trình lưu trú (tạo điều kiện nơi ăn ở cho các họa sĩ, như mô hình trại sáng tác của Nhà nước dành cho văn nghệ sĩ nhưng ở quy mô nhỏ) cho các nghệ sĩ trẻ cũng như các chương trình trao đổi với các nghệ sĩ - khách mời quốc tế và để phát hành những ấn phẩm giáo dục nghệ thuật.
[box type="bio"] Sàn Art, 3 Mê Linh, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Sàn Art Laboratory Studio, 48/7 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh.[/box]
Tìm nguồn tài trợ để Sàn Art tồn tại
“Để duy trì sự tồn tại và luôn giữ sự năng động với rất nhiều hoạt động thể nghiệm nghệ thuật được tổ chức, Sàn Art phải tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài như Quỹ phát triển và trao đổi văn hoá Đan Mạch (CDF), Quỹ Prince Claus, Tổ chức Arts Collaboratory hay Quỹ Artmon. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức nghệ thuật hay thương mại trong nước”, chị Zoe Butt, Giám đốc điều hành Sàn Art chia sẻ.
Chị Trà Nguyễn, Quản lý xúc tiến và phát triển của Sàn Art cũng cho rằng, muốn có được sự hỗ trợ của các tổ chức, Sàn Art phải chứng minh được tính chuyên nghiệp và khả thi của các dự án. Vì thế có những dự án phải mất đến 1-2 năm để tìm kiếm tài trợ. “Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ yên tâm sáng tác, có một môi trường làm việc chuyên nghiệp để có được những tác phẩm có ý nghĩa thực sự cho nền mỹ thuật đương đại trong nước” – chị Trà Nguyễn nói – Và rằng, hầu hết các tác phẩm tại Sàn Art đều được các nhà sưu tập nước ngoài mua và sưu tập nên điều đó hỗ trợ rất nhiều cho tổ chức và cho các họa sĩ.
Một trong những chương trình đáng chú ý tại Sàn Art là chương trình lưu trú “Sàn Art Laboratory”. Bắt đầu từ tháng 5-2012, chương trình mỗi sáu tháng sẽ cung cấp cho ba nghệ sĩ, mỗi người một studio và một phòng ở riêng biệt cộng với 1.000 đô la Mỹ làm kinh phí thực hiện tác phẩm và một khoản hỗ trợ nhỏ cho sinh hoạt phí.
“Trong điều kiện thực tế của Việt Nam chưa có những đầu tư phi lợi nhuận cho phát triển nghệ thuật, dự án này cũng là dự án nghệ sĩ lưu trú đầu tiên tại Việt Nam mà họa sĩ tham gia có chỗ ở, có chỗ làm việc, có kinh phí, có người cố vấn chuyên môn với những kiến thức và kinh nghiệm hoàn toàn vượt xa khung kiến thức hiện tại đang vận hành ở các trường đại học nghệ thuật địa phương, thì đây là một cơ hội tuyệt vời”, anh Đủ Nguyễn, họa sĩ trẻ đã tham gia Phiên 4 của chương trình “Sàn Art Laboratory” cho hay.
[box type="download"] “Trong điều kiện thực tại của Việt Nam chưa có những đầu tư phi lợi nhuận cho phát triển nghệ thuật, dự án này cũng là dự án nghệ sĩ lưu trú đầu tiên tại Việt Nam mà họa sĩ tham gia có chỗ ở, có chỗ làm việc, có kinh phí, có người cố vấn chuyên môn với những kiến thức và kinh nghiệm hoàn toàn vượt xa khung kiến thức hiện tại đang vận hành ở các trường đại học nghệ thuật địa phương, thì đây là một cơ hội tuyệt vời”, anh Đủ Nguyễn, họa sĩ trẻ đã tham gia Phiên 4 của chương trình “Sàn Art Laboratory” cho hay.[/box]
Giao lưu ý tưởng đa quốc gia về nghệ thuật
Thêm vào đó, Sàn Art còn phát triển chương trình “Nhận thức thực tại” – một dự án kéo dài ba năm như một cuộc đối thoại dài kỳ với nhiều hoạt động như bài giảng, workshop để tìm cách kích thích các hoạt động sáng tạo tại Việt Nam thông qua việc tiếp cận với nhiều ý tuởng mới lạ trong quá trình thực hành nghệ thuật đương đại. Với chủ đề là mối dây lịch sử giao thoa trong lòng khu vực Nam bán cầu: Đông Nam Á, Nam Á, châu Mỹ La-tinh và châu Phi; những trí thức, nghệ sĩ, nhà văn và nhà hoạt động văn hóa đa ngành nghề từ khắp các nước trên thế giởi được mời đến TPHCM để đưa ra những lối tiếp cận khác biệt trên những dòng lịch sử này.
Chương trình thu hút không chỉ giới nghệ sĩ mà rất nhiều các bạn trẻ, sinh viên tham dự để cùng chia sẻ từ những kiến thức nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, văn chương, âm nhạc, kiến trúc đến những lý luận tâm linh, những hành xử xã hội trong đời sống hiện đại. Trần Thị Tuyết Nhung, một sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Mình rất thích chương trình này vì được cơ hội tiếp xúc với các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ tài năng trong một không gian trao đổi thân tình và chuyên nghiệp. Mình được học hỏi rất nhiều và mình nghĩ các trường đại học cần có nhiều những chương trình ý nghĩa như thế này hơn”.
Ngoài ra, Sàn Art còn tổ chức chương trình Sàn Art Productions nhằm hợp tác, hỗ trợ những dự án có nhu cầu triển lãm nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn chuyên môn. Khi đó Sàn Art sẽ hợp tác với những tổ chức phi nghệ thuật hoặc kinh doanh (thời trang, quảng cáo, kiến trúc, khoa học...) để mời những nghệ sĩ Việt Nam có óc sáng tạo sắc bén khởi tạo các tác phẩm kết nối những mối quan tâm chung cho sự phát triển nghệ thuật và văn hóa đương đại Việt Nam. Đội ngũ Sàn Art sẽ trợ giúp nghệ sĩ được chọn trong suốt quá trình nghiên cứu, lựa chọn giải pháp, phát triển khái niệm, kỹ năng chuyên môn về sắp đặt, địa điểm triển lãm, viết đề nghị và hồ sơ kêu gọi trợ giúp tài chính cho sản xuất và các tài liệu quảng bá liên quan.
Với mục tiêu phát triển nghệ thuật đương đại được thể hiện với mọi chất liệu và những xu hướng nghệ thuật mới, vì vậy ngoài tranh, các nghệ sĩ Sàn Art còn sáng tác rất nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật video và nghệ thuật đa phương tiện. Người yêu nghệ thuật không chỉ được mời xem các tác phẩm nghệ thuật mà còn có thể xem và biết thêm quá trình sáng tác của các nghệ sĩ qua các buổi mở xưởng.
Mỹ Loan