Thứ tư, Tháng hai 12, 2025

Lo ngại trục lợi bảo hiểm nông nghiệp

TRUNG CHÁNH -

Dự thảo về triển khai bảo hiểm nông nghiệp thời gian tới đang được liên bộ Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra lấy ý kiến để trình Chính phủ thông qua có nội dung đáng chú ý là sẽ bỏ quy định hộ nghèo được miễn 100% phí mua bảo hiểm nhằm tránh trục lợi.

Đóng phí để có trách nhiệm quản lý rủi ro

bao-hiem-nong-nghiepNông dân đang chăm sóc cá tra – loại thủy sản sẽ được bảo hiểm thời gian tới.

Nếu như trong giai đoạn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) từ năm 2011-2013, hộ nghèo được miễn 100% phí bảo hiểm và hộ cận nghèo được miễn 90%, thì trong dự thảo đang được liên bộ Tài chính và NN&PTNT đưa ra lấy ý kiến các đơn vị có liên quan sẽ bỏ quy định nêu trên.

Tại hội nghị “Đánh giá việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với thủy sản” được tổ chức tại Cần Thơ tuần trước, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thời gian tới hộ nghèo khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước vẫn hỗ trợ phí đóng bảo hiểm nhưng không phải là 100%. “Còn tỷ lệ bao nhiêu thì Nhà nước sẽ tính lại”, ông nói.

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, việc bắt buộc hộ nghèo phải tự chi trả một tỷ lệ nhất định phí bảo hiểm là để họ có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát, quản lý rủi ro, vì thời gian qua đã có sự trục lợi từ đền bù của bảo hiểm.

Ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo Minh, đơn vị thực hiện thí điểm bảo hiểm, cũng cho rằng nên bỏ tiêu chí hộ nghèo được miễn 100% phí đóng bảo hiểm. Ông Phong đồng ý Nhà nước vẫn có hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo, nhưng bây giờ phải trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp bảo hiểm, tức người tham gia bảo hiểm phải chịu thiệt một phần nếu có rủi ro xảy ra.

Theo ông Phong, chính việc nông dân không cần bỏ tiền vẫn mua được bảo hiểm sẽ tạo tâm lý không chăm sóc cá, tôm, và có khi còn để chúng chết nhằm lấy tiền bảo hiểm. “Ngược lại, khi nông dân đóng một phần phí thì họ sẽ có trách nhiệm với chính sản phẩm của họ đầu tư”, ông nói.

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thời gian qua khi thực hiện thí điểm BHNN, ở địa phương ông đã xuất hiện tình trạng trục lợi bảo hiểm bằng cách bỏ mặc (cây, con) không chăm sóc, chờ khi có thiệt hại để hưởng đền bù từ công ty bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm than lỗ

Ông Phong của Bảo Minh cho biết, trước đây Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc thực hiện thí điểm BHNN quy định các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động phi lợi nhuận, tức có lãi không được chia, còn lỗ thì báo cáo lên Bộ Tài chính để xử lý. “Qua thực tế vừa rồi, các đơn vị tham gia đều lỗ cả, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa xử lý được”, ông cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Phong, việc triển khai BHNN thời gian tới sẽ chuyển sang tự nguyện, nhưng phải mang tính thương mại, tức hai bên cùng có lợi, nghĩa là những lúc người tham gia bảo hiểm gặp tổn thất thì họ có lợi là được công ty bảo hiểm bù đắp chi phí. Ngược lại, những lúc không có tổn thất gì thì công ty bảo hiểm cũng có lợi.

“Như vậy loại bảo hiểm này mới tồn tại được, chứ nếu chỉ có người tham gia bảo hiểm có lợi và chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm luôn bị thua lỗ thì tôi nghĩ chủ trương này không thành hiện thực được”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng đề xuất, đối với thủy sản chỉ nên bảo hiểm khi xảy ra thiên tai trên diện rộng với quy mô lớn. Còn dạng bảo hiểm cho dịch bệnh thì cần phải xác định rõ phải bảo hiểm cho dịch bệnh nào và dịch bệnh đó do ai công bố, công bố theo quy định nào.

Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề nêu trên, một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không muốn nêu tên cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm “dè chừng” với bảo hiểm dịch bệnh, trong khi hoạt động nuôi thủy sản ở ĐBSCL, nhất là với con tôm gần như 100% bị thiệt hại xuất phát từ dịch bệnh (hoại tử gan tụy và đốm trắng). “Với cách lựa chọn như vậy, rõ ràng doanh nghiệp bảo hiểm có lợi, vì con tôm của nông dân mấy khi gặp thiệt hại vì thiên tai đâu”, ông đặt vấn đề.

Theo vị này, việc thực hiện bảo hiểm phải công bằng và toàn diện, tức công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cả thiệt hại do dịch bệnh lẫn thiên tai gây ra.

Ông Nam của Bộ NN&PTNT cho rằng để việc triển khai thực hiện BHNN thuận lợi trong thời gian tới, nhất thiết phải thành lập tổ thẩm định, giám sát để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong vấn đề xác định mức độ thiệt hại, từ đó làm căn cứ cho bảo hiểm chi trả cho người tham gia bảo hiểm.

Trong khi đó, ông Lập, Phó chủ tịch tỉnh Bến Tre, lưu ý quy trình thẩm định, công bố dịch bệnh, quy trình nuôi hiện còn nhiều bất cập, chưa chính xác. “Cần phải nghiên cứu lại quy trình này sao cho công khai, minh bạch, nhất thiết phải có hướng dẫn chung, thống nhất giữa các nơi để làm cơ sở tính toán”, ông Lập nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cục Hàng không đã cấp slot cho Emirates theo chỉ đạo...

0
(SGTT) - Cục Hàng không đã cấp slot và quyền vận chuyển cho hãng Emirates theo chỉ đạo của Thủ tướng. Do khung 23...

Ứng phó áp thấp nhiệt đới: các địa phương chủ động...

0
(SGTT) - Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...

Hành trình 45 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên

0
(SGTT) - Phú Yên chưa hẳn là đất thơ, nhưng chắc chắn một điều, đây là vùng đất của người yêu thơ. Một minh...

6 xu hướng chăm sóc da từ Hàn Quốc dự đoán...

0
(SGTT) - Ngành làm đẹp Hàn Quốc (K-Beauty) tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường chăm sóc da toàn cầu với những...

Cách làm những món chay quốc tế cho ngày rằm tháng...

0
(SGTT) - Trong ngày rằm tháng Giêng, bạn có thể tự tin trổ tài đầu bếp thực hiện những món chay theo phong vị...

TPHCM: Đổ xô đi tiêm vaccine ngừa cúm, ‘loạn giá’ thuốc...

0
(SGTT) - Mấy ngày qua, các trung tâm tiêm chủng tại TPHCM ghi nhận lượng người đến tiêm vaccine phòng cúm tăng cao. Ngoài...

Kết nối