HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng CES vào đầu năm nay, khách tham quan đã khá kinh ngạc khi các màn hình ti vi, thiết bị di động và thiết bị mang theo (wearables) có thể bẻ cong. Nhưng nay Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc KAIST đã cho ra đời loại màn hình mới, trong suốt, siêu mỏng và dán trên da người hoặc trên áo.
Màn hình TFT đang giúp cho các nhà khoa học vượt qua trở ngại lớn nhất trước đây trong việc tạo thành các vật mang vô hình.
Màn hình dán trên da hứa hẹn tạo nên một dòng thiết bị mới và giấc mộng màn hình vô hình đáng giá 80 tỉ đô la cũng bắt đầu trở thành hiện thực.
Có những khó khăn để tạo nên một dòng thiết bị mới luôn bám vào thân mà không gây phiền toái, trước hết là độ tinh tế và sắc nét của màn hình mà lúc này chính là làn da tự nhiên của mỗi người. Khó khăn thứ hai là phải tìm nguồn năng lượng thích hợp cho việc bố trí thiết bị.
Công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research cho biết giá trị của thiết bị mang theo sẽ lên đến 80 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, nhưng vấn đề kèm theo phải là biến những vật mang hiện nay, từ chiếc đồng hồ hay những vòng đeo thành vô hình hay nói đúng hơn màn hình của thiết bị chính là làn da cơ thể hay chiếc áo mang theo.
Trong khi việc cấy thiết bị lên làn da mới ở trong giai đoạn lý thuyết thì việc dán các thiết bị có khả năng co giãn như MC10’s Biostamp mới chỉ khởi đầu. Nó chỉ áp dụng cho các thiết bị đơn giản như theo dõi sức khỏe hay tình trạng bệnh nhân, mặt khác tín hiệu phải được truyền đến màn hình của một thiết bị thông minh khác như chiếc điện thoại. Việc tạo nên một thiết bị hoàn hảo và đa năng trên da người đòi hỏi việc hoàn thiện một màn hình khả dĩ, thực hiện mọi chức năng của một thiết bị, bao gồm cả việc kết nối, xử lý thông tin và cấp nguồn năng lượng.
KAIST, một viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ tại Hàn Quốc, đã tìm ra giải pháp qua một quá trình nghiên cứu công phu. Họ tạo ra được một màn hình trong suốt, siêu mỏng chịu được mọi tác động uốn dẻo và co giãn của da người để có thể dán dính vào đó đã bắt đầu đưa vào sử dụng. Giải pháp tích hợp thiết bị vào da người sẽ giúp cho chúng ta không còn lệ thuộc vào các thiết bị phức tạp như máy tính hay điện thoại. Mọi thao tác từ truy cập thông tin đến viết và gửi đi hay nhận lại một tin nhắn sẽ được thực hiện trên màn hình mới này vốn là một mảng da tại nơi nào đó trên cơ thể.
Các giáo sư Keon Jae Lee và Sang-Hee Ko Park cùng nhóm nghiên cứu tại khoa khoa học và kỹ thuật vật liệu thuộc KAIST đã thực hiện một loạt những phát minh khác nhau và bắt đầu bằng phát triển các tấm phim transistor oxid siêu mỏng trong suốt gọi là TFT làm bề mặt màn hình. Nó được đặt vào một môi trường chất dẻo được xử lý bởi tia laser để tạo nên một nền gồm nhiều lớp phản ứng với loại tia sáng này. Độ trong suốt của màn hình lên cao đến không ngờ, đạt đến 83% và độ chịu uốn dẻo vượt qua các yêu cầu trắc nghiệm khắt khe khác nhau.
Màn hình TFT đang giúp cho các nhà khoa học vượt qua trở ngại lớn nhất trước đây trong việc tạo thành các vật mang vô hình. Giờ đây, giáo sư Lee cho biết đã sẵn sàng để sản xuất các thiết bị đó.
Với việc thế giới đang bước vào thời kỳ Internet vạn vật (IoT), nhu cầu về thiết bị màn hình trong suốt sẽ rất lớn và rất đa dạng, như để sản xuất loại kính thực tế tăng cường (AR) và đặc biệt với các thiết bị có tính bất ly thân đối với con người.
Công nghệ sản xuất màn hình bằng transistor oxid TFT đã khắc phục được các điểm yếu về độ trong suốt và độ dẫn điện. Thêm vào đó, kỹ thuật xử lý với tia laser gọi là ILLO đang khắc phục tình trạng không ổn định khi thay đổi nhiệt độ mà lớp nhựa dẻo làm giá đỡ thiết bị trước đây mắc phải. Sự chờ đợi của giới công nghệ về một màn hình hoàn hảo như vậy đã quá lâu, và sẽ không lạ khi các thiết bị trên da sẽ sớm ra đời, mang lại cho người tiêu dùng một thứ tiện nghi mới thiết thân hơn cả chiếc điện thoại di động vẫn mang theo trong túi.