NHƯ QUỲNH -
Đã có những phản ứng xen lẫn sự hoang mang xung quanh danh sách 77 dự án bất động sản thế chấp ngân hàng vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố mấy ngày gần đây. Luồng dư luận dường như đang bị cuốn theo những gì đọc được trên mặt báo, nhưng nếu bình tâm chút xíu sẽ thấy chuyện chẳng có gì phải ầm ĩ.
Có thể hiểu được phản ứng của doanh nghiệp khi bỗng dưng bị đưa vào danh sách những dự án đang “cắm” sổ ở ngân hàng. Họ lo ngại vì thông tin đó tựa như gáo nước lạnh xối lên người vừa ốm dậy, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh khi khách hàng mất niềm tin.
Và càng hiểu hơn sự hoang mang của những người lỡ mua phải căn hộ của những dự án có tên trong bảng “phong thần” đó. Không phải tất cả, nhưng một số dự án đang để lại những tai tiếng trên thị trường căn hộ, từ việc chậm tiến độ bàn giao nhà, chây ỳ làm sổ hồng cho cư dân đến chuyện lùm xùm ngân hàng siết nợ chủ đầu tư đòi đuổi người mua nhà ra đường. Nhiều người mua nhà lo lắng biết đâu điều tồi tệ ấy sẽ xảy đến với mình.
Lý lẽ của một số doanh nghiệp có tên trong danh sách đó đại ý rằng, họ đâu làm gì sai, họ được quyền thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng và họ được quyền bán căn hộ miễn là trước khi bán họ giải chấp căn hộ đó theo đúng quy định của pháp luật. Nói tóm lại, việc họ thế chấp dự án vay tiền là chuyện bình thường, sao lại “bêu” tên họ trong danh sách ấy khiến họ bị xấu mặt.
Song thử đặt vấn đề ngược lại. Nếu doanh nghiệp không làm gì sai thì tại sao lại sợ? Nếu việc vay vốn ngân hàng là bình thường thì sao lại e mình bị xấu mặt khi công khai chuyện đó? Có chắc hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng khi công khai thông tin hay sẽ ngược lại? Nếu đã làm đúng thì không việc gì phải sợ. Phản ứng ầm ĩ về những chuyện bình thường mới là điều bất thường.
Người mua nhà đang mơ một ngày nào đó họ được một địa chỉ đáng tin cậy để tra cứu thông tin khi có nhu cầu. Họ cần một nơi có thể cung cấp những thông tin chính xác về quy hoạch, về pháp lý, cũng như việc cầm cố dự án để đối chiếu với những gì họ nghe được từ người bán. Nhìn những “di sản” của một số chủ đầu tư để lại, nhiều người mua nhà như con chim đã một lần đậu phải cành cong, rất sợ cảnh “thả gà ra đuổi”, rất mệt mỏi.
Có thể nói danh sách kia là phép thử cho sự minh bạch thông tin trên thị trường địa ốc, mặc dù bước đầu công bố thông tin có thể chưa đầy đủ. Minh bạch là điều xã hội đang cần vào lúc này, không chỉ trong bộ máy quản lý mà cả hoạt động của doanh nghiệp. Không minh bạch không thể đẩy lùi tham nhũng và cũng chẳng làm thị trường phát triển bền vững. Lâu nay, nhiều người cứ nói thị trường địa ốc chưa minh bạch, há đây chẳng phải là lúc bắt đầu sao?