Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN. Vườn Quốc gia Vũ Quang không chỉ được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam mà còn là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen quý cho công tác bảo tồn.
- Lập hồ sơ danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới
- Việt Nam được bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á về di sản, ẩm thực và văn hóa
Trước đó, tại Hội nghị Vườn di sản ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Lào vào tháng 10-2019, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) chính thức được công nhận là Vườn di sản ASEAN cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum).
Theo website của Vườn quốc gia Vũ Quang, nơi này nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn. Tại đây có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu Việt Nam và Lào. Trong đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng…
Các nhà khoa học cũng xác định 1.829 loài thực vật bậc cao thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Đây đều là các loài đặc hữu cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang.
Thời gian gần đây, Vườn quốc gia Vũ Quang đã phát hiện nhiều loài mới cho thế giới, làm nổi bật tiềm năng đa dạng sinh học của vườn. Đáng chú ý là loài chà ran tuyến phát hiện năm 2016, dẻ Vũ Quang năm 2017, trà hoa vàng Vũ Quang và trà hoa vàng Hà Tĩnh năm 2018, tân bời lời Vũ Quang phát hiện năm 2019.
Theo đánh giá của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Vườn quốc gia Vũ Quang có đầy đủ các tiêu chí để trở thành thành viên của Hiệp hội Các vườn di sản ASEAN như: tính toàn vẹn hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính độc đáo và các sinh cảnh đặc trưng, cùng các loài quý hiếm, tính hợp pháp và hợp lý, tính xuyên biên giới, kế hoạch quản lý, tầm quan trọng cho bảo tồn.
Vườn quốc gia Vũ Quang có diện tích 57.000 ha, được thành lập ngày 30-7-2002. Vườn quốc gia này nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen giữa Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) ở phía Bắc và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) ở phía Nam. Nơi này có tới 76% diện tích rừng tự nhiên với hai kiểu chính: rừng kín thường xanh chiếm 20% với hai loại thực vật ưu thế là pơ mu và hoàng đàn; rừng kín thường xanh nhiệt đới với các loại thực vật bậc cao như cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương... và nhiều cây dược liệu quý.
Vườn di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Danh hiệu này được triển khai từ năm 2003 nhằm bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, với sự tham gia và ký kết của các bộ trưởng về môi trường của ASEAN.
Thanh Thảo