Từ ngày mai, 1-4, chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 ở các nhóm hàng sữa, đồ dùng mùa khai trường, thực phẩm thiết yếu chính thức triển khai. Chương trình bình ổn lần thứ 12 này không chỉ có thêm doanh nghiệp tham gia mà số lượng hàng hóa cũng tăng mạnh.
Theo Sở Công Thương TPHCM, ba chương trình bình ổn thị trường năm nay là sữa, đồ dùng mùa khai trường và thực phẩm thiết yếu đều tăng khá so với năm ngoái khi có hơn 70 đơn vị tham gia. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa và tám ngân hàng, tổ chức tín dụng.
So với các năm trước, lượng hàng của chương trình năm nay tăng vọt, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn. Cụ thể, ở nhóm hàng sữa, người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn về nhãn hiệu và chủng loại sản phẩm khi có thêm hai doanh nghiệp mới tham gia, bên cạnh Vinamilk và Nutifood như mọi năm. Ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, ngoài những mặt hàng quen thuộc như gạo, đường, thịt, trứng… còn có thêm mì gói. Còn ở chương trình bình ổn thị trường sản phẩm phục vụ mùa khai trường, cả ba nhóm hàng (tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh) đều có số lượng lớn, chiếm 32,9-65,4% nhu cầu tiêu dùng. Trong đó, tập học sinh là 25,3 triệu quyển, đồng phục học sinh 720.000 bộ và cặp – ba lô – túi xách là 1.255.000 cái.
Giá các sản phẩm trong chương trình bình ổn được cam kết thấp hơn các sản phẩm cùng chủng loại 5-15% (tùy nhóm hàng) và doanh nghiệp chỉ được tăng giá khi nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5-10% và cơ quan quản lý chấp thuận. Tuy nhiên, khi giá thị trường giảm quanh mức 5% thì các doanh nghiệp phải chủ động giảm giá hoặc thực hiện khuyến mãi dành cho người tiêu dùng.
Tính đến ngày 31-12-2013, trên địa bàn TPHCM có gần 7.800 điểm bán hàng bình ổn, tăng 850 điểm so với đầu năm 2013. Trong chương trình năm nay, cơ quan quản lý không quy định doanh nghiệp phải phát triển bao nhiêu điểm bán trong một năm, nhưng khuyến khích mở rộng mạng lưới phân phối nhắm vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ vùng ven và đưa hàng trực tiếp vào các bếp ăn tập thể. Điều này có nghĩa, người tiêu dùng thu nhập thấp như công nhân, học sinh sinh viên, người dân ở ngoại thành… sẽ có thêm cơ hội tiếp cận hàng với giá bình ổn.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cũng có nhu cầu phát triển mạng lưới phân phối để tăng doanh số. Chẳng hạn Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) trong năm 2014 có kế hoạch mở thêm tám siêu thị tại các tỉnh, thành và 20 cửa hàng tiện lợi Co.op Food trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ để mở cửa hàng liên kết nằm ở nhiều khu vực khác nhau. Chương trình liên kết này đã được Saigon Co.op thực hiện trong hai năm và hiện đã có 73 cửa hàng phụ nữ, 6 cửa hàng thanh niên và hơn 750 điểm bán do hội phụ nữ quận, huyện thực hiện.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng tham gia chương trình bình ổn như Sacombank còn tăng cường cho tiểu thương tại các chợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng bình ổn cũng có chương trình đưa hàng xuống chợ, thay vì chỉ có siêu thị, cửa hàng như cách đây nhiều năm.
Tâm An