Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Lao động Việt Nam tự tin với chuyển đổi số

(SGTTO) - 9 trên 10 người lao động Việt Nam cho rằng mình sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0 trong khi phần lớn các doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến việc đào tạo để giúp nhân viên nâng cao kỹ năng số.

Người lao động tự tin trước kỷ nguyên 4.0

Công ty Adecco Việt Nam vừa phát hành kết quả khảo sát sự sẵn sàng trong chuyển đổi số của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam. Cuộc khảo sát được Adecco thống kê từ 300 nhà tuyển dụng (cấp quản lý trở lên) và 300 nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Khảo sát này nhằm đánh giá sự sẵn sàng về năng lực kỹ thuật số của doanh nghiệp và người đi làm trong thời đại bình thường mới. Ngoài ra, khảo sát cũng phản ánh sự tự nhận thức của người lao động về khả năng kỹ thuật số của họ và chỉ ra những khía cạnh quan trọng để đẩy nhanh tiến bộ.

Chuyển đổi số
Quá trình chuyển đổi số hiện tại của doanh nghiệp. Ảnh chụp từ báo cáo của Adecco Việt Nam.

Theo kết quả vừa được Adecco Việt Nam công bố, có 29% doanh nghiệp vừa và 31% doanh nghiệp nhỏ nhận biết khá rõ về năng lực của từng nhân viên trong việc nâng cao kỹ năng số, so với con số 22% của doanh nghiệp lớn.

Các nhà lãnh đạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tương ứng là 40% và 31%) cũng cam kết thúc đẩy các kỹ năng số, nhiều hơn so với 24% các công ty lớn.

Đặc biệt, 1/3 các công ty quy mô vừa thường xuyên đánh giá các kỹ năng số quan trọng, trong khi chỉ có 24% các doanh nghiệp lớn tổ chức các cuộc đánh giá này.

Về yếu tố đầu tư vào phát triển kỹ năng số, tỷ trọng giữa các công ty vừa và lớn gần như là 3/2. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở một số doanh nghiệp lớn đang tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, có 30% các công ty quy mô lớn đang hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu, và 35% đang cải thiện hiệu suất của nhân viên bằng các công nghệ mới. Trong khi đó, các con số này ở doanh nghiệp nhỏ chỉ là 22% và 27%.

Chuyển đổi số
Những kỹ năng, kỹ thuật số cần thiết trong 3 năm tới. Ảnh chụp từ báo cáo của Adecco Việt Nam.

Gần 9/10 người lao động Việt Nam (87%) cho rằng họ đã sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0. Ngoài ra, có đến 59% người thừa nhận họ có các kỹ năng số cần thiết cho công việc. Hơn nữa, ¼ số người được hỏi thậm chí còn xác nhận họ có các kỹ năng số nâng cao.

Người lao động Việt Nam rất lạc quan về tác động của tiến bộ công nghệ đối với công việc của họ. 48% số mẫu khảo sát tin rằng kỷ nguyên số sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn và 42% nghĩ rằng tự động hóa sẽ giúp giảm bớt một số công việc thủ công. Trong khi chỉ có 3% người lao động lo lắng robot sẽ lấy đi công việc của họ.

Vẫn còn nhiều thách thức

Cũng theo báo cáo của Adecco Vietnam, các lĩnh vực chính được ưu tiên đầu tư hàng đầu trong ba năm tới là tiếp thị kỹ thuật số (49%), trí tuệ doanh nghiệp (48%), thương mại điện tử (40%) và dữ liệu lớn (30%).

Các doanh nghiệp hy vọng rằng, việc đầu tư những lĩnh vực này có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công, 1/3 số doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng chiến lược hiệu quả nhất là đào tạo và nâng cao năng lực nhân viên. Các giải pháp khác được đề ra là xác định chiến lược, lộ trình rõ ràng (27%) và thay đổi văn hóa từ cấp quản lý (22%).

Những thách thức còn lại trong quá trình này là doanh nghiệp chưa thể theo kịp tốc độ phát triển công nghệ. Còn rào cản từ ​​các doanh nghiệp lớn là thiếu hụt ngân sách (56%) và bảo mật thông tin (47%). Trong khi đó, hơn một nửa số doanh nghiệp quy mô vừa (54%) gặp khó khăn trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.

chuyển đổi số
Các lĩnh vực kỹ thuật số sẽ được ưu tiên đầu tư hàng đầu trong 3 năm tới. Ảnh chụp từ báo cáo của Adecco Việt Nam.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng TPHCM, Công ty Adecco Việt Nam, khẳng định, kỹ thuật số đã trở thành “ngôn ngữ” mới mà người lao động bắt buộc phải thành thạo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mong đợi nhân viên thành thạo các kỹ năng kỹ thuật số nhưng lại không cung cấp cơ hội đào tạo hoặc hỗ trợ đầy đủ.

Do đó, theo bà Thanh, các công ty nên có tầm nhìn và lộ trình rõ ràng cho sự phát triển của nhân viên trong kỷ nguyên mới này. Điều này không chỉ giúp xác định sự thành công trong chuyển đổi số mà còn giữ chân những nhân tài có năng lực số tiên tiến.

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam và Malaysia, thì cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bước đột phát trong quá trình chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh, và quá trình ​​này đòi hỏi sự tham gia của toàn tổ chức. Phát triển năng lực lãnh đạo, huấn luyện và nâng cao kỹ năng là cách để giải quyết thách thức này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cần nhiều thời gian để thực hiện việc đào tạo do số lượng nhân viên khá đông. Để đo lường và cải thiện tốt hơn năng lực kỹ thuật số của nhân viên, các doanh nghiệp nên thực hiện đánh giá cho từng bộ phận, đánh giá đầu vào cho nhân viên mới và đặt chỉ tiêu về kỹ năng số cụ thể.

Để đánh giá tầm quan trọng của các kỹ năng số đối với năng suất công việc, hơn một nửa người lao động được khảo sát (52%) cực kỳ coi trọng khả năng sử dụng Microsoft Office hiệu quả hơn. 50% đánh giá cao khả năng thích ứng với công nghệ và thiết bị mới để giảm khối lượng công việc thủ công và 50% cho rằng giao tiếp và cộng tác thông qua nền tảng trực tuyến rất quan trọng.Ngoài các kỹ năng cơ bản, 48% người sử dụng lao động  mong muốn nhân viên có kỹ năng lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên đám mây trong 3 năm tới. Tiếp theo là sự hiểu biết về an ninh mạng cơ bản (43%) và kỹ năng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu (43%).

 Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Còn nhiều thách thức để phát triển TMĐT

0
(SGTT) - Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ để Việt Nam tham gia làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra...

Thương mại điện tử – Những công nghệ phải có ở...

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp TMĐT châu Á cũng đang trong cuộc chạy đua đầu tư công nghệ để phát triển kinh doanh và...

Kết nối