Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rất chặt về biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá và quản lý đối với mặt hàng này. Việc chống buôn lậu thuốc lá cũng diễn ra quyết liệt nhiều năm nay. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng - mới xuất hiện nhiều trong hai năm gần đây - thì lại chưa có quy định nào để quản lý.
Khoảng trống của luật
Thuốc lá là mặt hàng gây hại cho sức khỏe và đã có Luật phòng, chống tác hại thuốc lá siết chặt, nhất là áp dụng các sắc thuế ở mức cao nhằm hạn chế sự lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nhưng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng - là những mặt hàng chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh tại Việt Nam - lại xuất hiện công khai ở các wesite thương mại điện tử và bán tràn lan trên mạng xã hội. Theo Bộ Công thương hầu hết đây là hàng nhập lậu, hàng không kiểm soát được chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tần suất và giá trị thu giữ qua các vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tăng dần lên. Phát biểu tại tọa đàm về “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam” hôm 11-11 tại Hà Nội do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết: “Hầu hết các vụ việc liên quan đến thuốc lá thế hệ mới đều được xử lý dưới dạng hàng lậu, định danh là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh”.
Còn theo ông Vũ Hùng Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, do nhu cầu về thuốc thế hệ mới là khá nhiều, lợi nhuận lại vô cùng cao nên người bán tìm mọi cách để “tuồn” hàng vào thị trường. “Cần sớm có khung pháp lý từ khâu sản xuất kinh doanh đến khâu quản lý, kiểm tra kiểm soát để tránh tình hình thất thu cho ngân sách”, ông Sơn đề xuất.
Quản lý thí điểm là cần thiết
Tham gia vào cuộc thảo luận nên cấm hay mở cửa có điều kiện với thuốc lá thế hệ mới, Bà Hoàng Lan Hương, Vụ pháp chế, Bộ Y tế kiến nghị rằng tạm thời nên chưa cho phép nhập khẩu và lưu thông cho đến khi những tác động của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn.
Ngược lại, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng không nên có tư duy “không quản được thì cấm”. Ngoài ra, cấm có nghĩa là đang đẩy người tiêu dùng về phía hàng lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, theo bà Thủy, cấm là không phù hợp vì việc đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không nằm trong danh mục cấm đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư. Thay vào đó cần xây dựng, ban hành khung pháp lý, cơ chế quản lý riêng đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thống nhất rằng cần soạn thảo ngay một khung pháp lý quản lý dòng sản phẩm thế hệ mới để lập lại trật tự thị trường, tách biệt khỏi các quy định quản lý thuốc lá điếu truyền thống hiện nay. Nhưng thay vì luật hóa ngay tại thời điểm này, các đại biểu thống nhất nên cho triển khai thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng.
Việc đưa ra những quy định mang tính luật hoá cần có thời gian chuẩn bị, đánh giá tác động của nhóm mặt hàng này lên sức khỏe - đời sống - kinh tế, tránh áp đặt quá nhanh. Hay nói cách khác là cần có các chính sách thí điểm quản lý từ liên bộ Công thương - Tài chính - Khoa học và Công nghệ để mặt hàng này không mặc sức “tung hoành” trong khi nhà nước lại thất thu ngân sách.
Trước đó, hôm 20-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giao cho các bộ và địa phương “siết chặt hơn nữa việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng”.Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đối với sức khỏe và giao Bộ Công thương đề xuất chính sách quản lý đối với các mặt hàng này.
Thuốc lá thế hệ mới có giảm tác hại?
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc xúc tiến xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất cần thiết.
Ví dụ, theo ông, ngay cả về định nghĩa, khái niệm, nhiều người còn nhầm lẫn, chưa phân biệt thế nào là sản phẩm thuốc lá làm nóng, thế nào là thuốc lá điện tử. Vì việc hút thuốc đều có sự hỗ trợ của phụ kiện điện tử nên họ coi tất cả sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là thuốc lá điện tử.
Việc đưa ra khái niệm, định nghĩa cho các sản phẩm sẽ giúp thống nhất cách hiểu về bản chất kỹ thuật của sản phẩm.
Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí và đề nghị cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở Việt Nam cho phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang nghiên cứu, xem xét xây dựng khái niệm và các tiêu chí kỹ thuật đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Lan Nhi
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online