Ngành du lịch đã trải qua hơn 9 tháng đương đầu với khó khăn vì suy giảm khách do Covid-19 gây ra. Thế nhưng, vẫn có rất ít doanh nghiệp và người lao động tại TPHCM tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước, nguyên nhân là do các quy định để nhận hỗ trợ quá khó khăn.
- Kỳ vọng du lịch giúp kinh tế hồi phục trong quý cuối năm
- Khách du lịch có thêm kênh phản hồi về chất lượng dịch vụ
Chính sách hỗ trợ nhiều, người nhận hỗ trợ ít
TPHCM là nơi đón hơn một nửa lượng khách quốc tế của cả nước cho nên khủng hoảng do Covid-19 gây ra với ngành du lịch nặng nề hơn rất nhiều so với các địa phương khác. Theo số liệu từ Sở Du lịch thành phố, lượng khách quốc tế đến trong 10 tháng quả chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ; khách trong nước cũng giảm mạnh nên doanh thu du lịch chỉ được hơn 66.000 tỉ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ.
Cho đến thời điểm này, rất nhiều công ty lữ hành, khách sạn, gồm cả những nơi có quy mô lớn vẫn đang hoạt động cầm chừng và thiếu vốn nhưng con đường để tiếp cận các gói vay ưu đãi rất khó khăn. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ dành cho người lao động trong ngành du lịch cũng tương tự, gói hỗ trợ thì có nhưng không dễ nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, các quy định để vay vốn, nhận hỗ trợ quá khó khăn và chưa phù hợp với thực tế là nguyên nhân của tình trạng trên. Chẳng hạn, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được vay để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực cũng như quyền lợi cho người lao động. Các quy định để nhân viên du lịch nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội cũng rườm rà. Có những người phải làm rất nhiều thủ tục để chứng minh không có thu nhập tại TPHCM và không nhận trợ cấp tại địa phương thì mới nhận được hỗ trợ. Điều này làm nhiều người khó tiếp cận chính sách.
"Ở đợt 1, có chưa đến 20 doanh nghiệp lữ hành hưởng chính sách từ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Với hướng dẫn viên du lịch, số người được nhận hỗ trợ chỉ là 436 người", bà Ánh Hoa dẫn chứng.
Thông tư 01/2020/TT-NHNN là thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào đầu tháng 3 rồi, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Từ những khó khăn đó, sở du lịch đã kiến nghị UBND TPHCM để cơ quan này chuyển ý kiến lên các cấp cao hơn và đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp cùng người lao động du lịch ở thành phố.
"Chúng tôi đang trình gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng", bà Ánh Hoa nói và cho biết sở cũng đề nghị cho doanh nghiệp lữ hành được vay 50% tiền ký quỹ để có thêm vốn xoay xở lúc khó khăn.
Theo Luật Du lịch, doanh nghiệp lữ hành đưa khách Việt Nam đi nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng, đưa khách quốc tế đến ký quỹ 250 triệu đồng và tổ chức tour cho khách Việt đi trong nước ký quỹ 100 triệu đồng. Nếu kinh doanh cả ba mảng, tiền ký quỹ cũng là 500 triệu đồng.
Cũng theo thông tin Giám đốc Sở Du lịch TPHCM ghi nhận được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tính toán các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành mới.
Ba kịch bản của du lịch TPHCM năm 2021
Nhận định về tình hình du lịch trong năm tới, người đứng đầu ngành du lịch TPHCM cho rằng vẫn rất khó khăn do mảng du lịch quốc tế có thể sẽ vẫn đứng. Sở du lịch chuẩn bị ba kịch bản ứng phó với khó khăn trong năm 2021.
Kịch bản lạc quan nhất là lượng khách nội địa sẽ vượt con số 32,7 triệu lượt của năm 2019, đạt khoảng 35 triệu lượt. Kịch bản thứ 2 là 26 triệu lượt và kịch bản thứ ba chỉ 15 triệu lượt khách, tức bằng với lượng khách dự kiến của năm nay.
Theo bà Hoa, các kịch bản của du lịch cho năm sau vẫn chưa tính đến thị trường quốc tế vì chính phủ hiện vẫn quyết định chưa đón khách du lịch quốc tế để ngăn dịch. Vì thế, TPHCM phải nhanh chóng xây dựng phương án tăng trưởng cao thị trường trong nước để bù đắp một phần thiệt hại của mảng này. Một trong những chương trình "đòn bẩy" để tăng cao lượng khách trong nước là liên kết với các địa phương kéo khách về.
Trong tháng 11 này, TPHCM sẽ ký kết liên kết phát triển du lịch với 21 tỉnh, thành của vùng Tây Bắc mở rộng; Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Đông Bắc. Các chương trình liên kết tập trung vào 5 nội dung chính là phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực, kêu gọi đầu tư và quản lý nhà nước.
Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả. Doanh nghiệp đã đưa ra được các sản phẩm mới, tìm được thị trường qua mỗi chương trình và có lượng khách luân chuyển.
Như chương trình liên kết TPHCM với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dù vừa bắt đầu thì Covid-19 ập đến nhưng các công ty lữ hành ở TPHCM đã đưa được nhiều khách từ thành phố đến vùng này. Lượng khách tăng khoảng 11%, tuy chưa bằng kỳ vọng lúc ký kết liên kết nhưng đã là kết quả khả quan trong bối cảnh du lịch phải tạm ngừng hoạt động trong những đợt dịch bùng phát.
"Chúng tôi sẽ hợp tác để xây dựng thương hiệu du lịch vùng nhằm tạo thế mạnh thu hút du khách", bà Thúy nói.
Theo Sở Du lịch TPHCM, hội nghị liên kết phát triển giữa TPHCM và vùng Tây Bắc mở rộng gồm Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Phú Thọ sẽ dễn ra vào ngày 14 và 15 -11 tại tỉnh Phú Thọ.
Sự kiện tương tự với vùng Đông Bắc gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh sẽ diễn ra từ ngày 19 và 20 -11 tại tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình liên kết du lịch giữa TPHCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên -Huế sẽ tổ chức tại tỉnh Quảng Nam trong ngày 27 và 28-11.
Đào Loan
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online