(SGTTO) - Theo trang web Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Hà Giang vừa có quyết định công nhận hang động Lùng Khúy, khu sinh thái nghỉ dưỡng H’mong Village và làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ là 3 điểm du lịch mới của tỉnh.
- Công nhận Mũi Né là khu du lịch quốc gia
- Liên kết phát triển du lịch TPHCM với vùng Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung
Việc công nhận 3 điểm du lịch mới tại Hà Giang không những tạo điều kiện để bảo vệ các danh lam thắng cảnh, nét văn hóa truyền thống mà còn là nền tảng giúp các địa phương trong tỉnh phát huy giá trị văn hóa và quảng bá đển du khách trong và ngoài nước.
Động Lùng Khúy: Đệ nhất hang động ở Hà Giang
Hang động Lùng Khúy tọa lạc tại thôn Lùng khúy, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nằm cách thị trấn Tam Sơn khoảng 10 km. Hang có tuổi đời hàng triệu năm với chiều dài hơn 300m được mệnh danh là “cao nguyên đệ nhất động”. Điều làm nên nét đặc biệt của hang Lùng Khúy chính là hệ thống thạch nhũ còn giữ được vẻ nguyên sơ cùng truyền thuyết tình yêu của đôi trai gái người Mông.
Vào dịp lễ hội hoa tam giác mạch năm 2015, huyện Quản Bạ đã chính thức mở cửa hang động Lùng Khúy trên cao nguyên đá Đồng Văn cho phép du khách vào tham quan.
Theo Công ty du lịch Vietsense, để lên tới hang Lùng Khúy, du khách phải đi qua con đường đất dài hơn một cây số vòng quanh núi. Đứng ở cửa hang từ trên cao, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên của xã Cán Tỷ. Bên trong hang động, du khách dễ dàng đi lại bởi hệ thống lối đi được xây dựng bằng các khung sắt chắc chắn. Phía trên mái vòm của hang động là những nhũ đá được kiến tạo sau hàng trăm năm. Những ánh đèn nhiều màu sắc giúp cho du khách dễ dàng quan sát các nhũ đá với nhiều hình dạng khác nhau.
Trải nghiệm văn hóa vùng cao tại H'mong village
Theo website của H'mong village, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 50 km về phía Đông Bắc, khu sinh thái nghỉ dưỡng H’mong village còn được gọi là khu nghỉ dưỡng làng Mông, nằm trên quốc lộ 4C tuyến đường đi công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là địa điểm du lịch mới mang lại những trải nghiệm thiên nhiên và khám phá văn hóa dân tộc.
Khu nghỉ dưỡng H’mong Village thuộc khu Tráng Kìm, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ có diện tích 20 ha chia làm hai khu: gồm 25 bungalow (kiểu nhà nhỏ, một tầng, xuất xứ từ Ấn Độ) và khu nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa 50 người, cung cấp đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, ẩm thực, giải trí và trải nghiệm văn hóa vùng cao.
Tại đây du khách cũng có thể trải nghiệm trekking tour khám phá cao nguyên đệ nhất động Lùng Khúy - một trong những hang động đá vôi đẹp nhất của Hà Giang.
Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn chuyến khám phá những làng nghề truyền thống tại đây như: Làng nghề dệt lanh truyền thống của người mông ở Lùng Tám, làng nghề nấu rượu ngô truyền thống của người Mông ở Thanh Vân...
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông
Được xây dựng vào tháng 12-2016 tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, làng có diện tích trên 27.000m2 dưới chân đèo Mã Pì Lèng gồm các hạng mục chính: nhà văn hóa 5 gian và nhà trưng bày sản phẩm 3 gian thiết kế theo kiến trúc nhà khung gỗ, nhà trình tường mái lợp ngói âm dương 2 tầng, bãi đỗ xe, khu vui chơi và các hạng mục dịch vụ khác phục vụ du khách.
Theo Tổng cục Du lịch, mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng không phải là mới mẻ ở tỉnh Hà Giang nhưng làng văn hóa du lịch cộng đồng của người Mông như ở Mèo Vạc thì rất ít. Toàn bộ người dân trong thôn là đồng bào người Mông. Hiện nay thôn còn một số nghệ nhân nòng cốt có thể bảo tồn văn hóa truyền thống của người Mông. Việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại thôn Pả Vi Hạ vừa giúp người dân làm du lịch vừa bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc Mông.
Công trình không chỉ mang nét văn hóa của người Mông ở thôn Pả Vi Hạ mà còn đại diện cho toàn bộ người Mông tại Mèo Vạc. Việc xây dựng làng văn hóa còn đặt ra mục tiêu tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh khu vực đón khách du lịch, công trình có quy hoạch riêng cho khu vực chăn nuôi và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Quỳnh Châu