THẢO NGUYÊN -
“96% người Việt nhận mình là tầng lớp trung lưu”, “hầu hết người Việt nhận mình ở tầng lớp trung lưu”, đọc xong tít của các báo tôi giật mình và thắc mắc vì sao người Việt tự tin quá.
Nhưng đọc xuống dưới nội dung tin tức trên báo, tôi mới biết khảo sát này được thực hiện với 2.500 người (phỏng vấn ngẫu nhiên cả nam và nữ có độ tuổi 20-59) tại năm thành phố Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và TPHCM (Việt Nam), mỗi thành phố khảo sát chỉ… 500 người.
Nghĩa là chỉ có gần 500 người Việt tại TPHCM nhận mình trong tầng lớp trung lưu. Một con số quá ít để so sánh với trên 8 triệu dân của TPHCM, và 90 triệu dân của Việt Nam.
Vậy mà sau đó nhiều bài báo cho rằng người Việt đang ảo tưởng về mình, và quá bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Rồi có những bài báo viết về chuyện trong khi Việt Nam có nhiều thanh niên thất nghiệp nhưng 96% người vẫn nhận mình ở tầng lớp trung lưu. Sự phân tích này thực chất khá thiển cận khi chỉ tham khảo dựa trên khảo sát đó.
Trong khi đó vào cuối năm 2014, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) từng đưa ra dự báo tầng lớp trung lưu ở khu vực ASEAN sẽ tăng rất mạnh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, với khoảng 110 triệu người vào năm 2015, trong đó tầng lớp trung lưu Việt Nam có khoảng 14,7 triệu người, chiếm gần 26,6% lực lượng lao động.
Về góc độ xã hội học, dĩ nhiên khi nghiên cứu một vấn đề thì phải chọn mẫu, vì không thể khảo sát hết toàn bộ người dân TPHCM hay Việt Nam. Tuy thế, với những khảo sát mà số lượng mẫu quá ít thì khả năng đại diện là không cao. Thêm vào đó, khi đưa tin, ngay trong tít, người viết cũng nên nêu rõ rằng đó là 96% người được khảo sát. Vì nếu không, vô hình trung khảo sát đã khái quát hóa quá mức chuyện nhận mình ở tầng lớp trung lưu của người Việt, và trở nên không đáng tin cậy.
Phía các công ty nghiên cứu thị trường, các tổ chức phi chính phủ, thậm chí là cơ quan nhà nước khi công bố một khảo sát cũng nên thông tin đầy đủ đối tượng được khảo sát, số mẫu được chọn, nơi và địa điểm khảo sát, cách thức khảo sát để phản ánh đúng tính chất của sự việc để tránh gây sốc cho người đọc và mang lại những thông tin tham khảo hữu ích cho người đọc.