Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Thái Lan chăm sóc voi tốt hơn để xúc tiến du lịch nội địa

(SGTTO) - Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang làm việc với Cục Phát triển chăn nuôi, các bác sĩ thú y và các chuyên gia về voi để tìm kiếm giải pháp nâng cao tiêu chuẩn của các trại voi và các quản tượng trên khắp đất nước.

 

Du khách được phép mang trái cây đến cho voi ăn tại Làng voi Hoàng gia Kraal ở Ayutthaya, Thái Lan. Ảnh: Somchai Poomlard
Tập trung vào khía cạnh bảo tồn

Trong hơn 3 thập kỷ, những con voi đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành du lịch Thái Lan và tạo ra thu nhập 6 tỷ baht mỗi năm. Các trại voi khắp đất nước này trở thành thỏi nam châm thu hút khách du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, loại hình du lịch này không được những du khách có ý thức đánh giá cao. Trong những năm gần đây, các đại lý du lịch ở châu Âu đã loại bỏ các chương trình trại voi khỏi các hành trình tham quan tại Thái Lan. Gần đây, do hậu quả của đợt bùng phát Covid-19, khiến chính quyền và các chủ trại nuôi voi phải suy ngẫm về hoạt động du lịch chăm sóc voi và cách khôi phục lại hình ảnh của đất nước.

Du khách tham quan Làng voi Hoàng gia Kraal. Ảnh: Bangkok Post

Tập trung vào vấn đề phúc lợi động vật, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang làm việc với Cục Phát triển chăn nuôi, các bác sĩ thú y và các chuyên gia về voi để tìm kiếm giải pháp nâng cao tiêu chuẩn của các trại voi và các quản tượng trên khắp đất nước.

Một loạt hội thảo được tổ chức để mọi người nhận biết được sự khác biệt giữa voi thuần hóa và voi hoang dã, cũng như những kinh nghiệm nuôi voi lâu đời. "Khoảng 70% đến 90% khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan để trải nghiệm với voi. Hầu hết các trại nuôi voi ở Thái Lan đã cải thiện tiêu chuẩn phúc lợi cho voi, nhưng một số trại đã tạo ra những tin đồn giả làm mất uy tín những trại khác. Điều này dẫn đến việc dư luận chỉ trích đồng thời làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đất nước", Srisuda Wanapinyosak, Phó tổng cục trưởng phụ trách tiếp thị quốc tế của TAT cho biết.

Ông nói: "Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một hội thảo tại Hội chợ Du lịch Thế giới ở London. Chúng tôi phát hiện rằng 90% người tham gia hội thảo chưa từng đến Thái Lan nhưng họ đã có ấn tượng xấu sau khi đọc thông tin sai từ mạng xã hội. Khi trở về, chúng tôi đã tổ chức các chuyến đi cho hơn 20 nhà văn và đại lý du lịch từ Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Anh và Hà Lan đến tham quan một số trại voi và phản hồi của họ rất tích cực".

Từ năm 1989, chính phủ Thái Lan đã ban hành luật cấm khai thác gỗ trong rừng, dẫn đến việc những người quản tượng bị thất nghiệp, vì vậy họ phải tập trung vào các buổi trình diễn voi hoặc đưa chúng vào thành phố để kiếm sống. Hiện nay, đã có 4.200 con voi được thuần hóa.

Một chú voi con 3 tuổi đang trải qua một khóa huấn luyện. Ảnh: Bangkok Post

Chatchot Thitaram, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu voi và động vật hoang dã, Đại học Chiang Mai, cho biết: "Voi thuần dưỡng và voi hoang dã có cùng DNA nhưng hành vi của chúng khác nhau. Chúng tôi chỉ thả được 108 con voi trở lại rừng vì một số không thể sống trong tự nhiên". Hiện quốc gia này có 3.000-3.500 con voi hoang dã có thể chia làm bảy nhóm sống ở các khu vực khác nhau như Khao Yai và Kui Buri.

Sittidet Mahasawangkul, cố vấn trưởng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Thái Lan, đã chỉ ra rằng việc huấn luyện voi có thể giúp giảm nguy cơ tai nạn cho loài vật này, trong khi bác sĩ thú y có thể điều trị y tế cho những con  bị bệnh.

Rót vốn để bảo tồn voi

Giống như các doanh nghiệp khác, các trại voi Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Do đó, một số quản tượng và những chú voi của họ đã gần như thất nghiệp.

Du khách có thể ngắm voi từ ban công quán cà phê Mong Chang. Ảnh: 9 Journey Thailand

Ở Ayutthaya, Làng voi Hoàng gia Kraal gần đây đã nối lại dịch vụ voi chở khách và mở cửa cho khách du lịch địa phương đến thăm voi. Được điều hành bởi Quỹ Phra Kochabaan, tại đây cũng cung cấp các chương trình Elephantstay, mang đến cho du khách cơ hội nghỉ ngơi, tìm hiểu những điều cơ bản về cách làm quản tượng và tắm với voi.

Ittipan Kharwlamai, thư ký của Quỹ Phra Kochabaan Foundation, cho biết khi được công nhận là di sản thế giới năm 1991, một trong những điều kiện của UNESCO đưa ra cho Công viên lịch sử Ayutthaya là phải duy trì môi trường sống cho loài voi. "Đó là lý do chúng tôi thiết lập dịch vụ voi chở khách, được du khách Nhật Bản và Đài Loan ưa chuộng. Quỹ chúng tôi sở hữu 180 con voi, trong đó 80 con sống ở Làng voi Hoàng gia Kraal và số còn lại làm việc tại những trại voi khắp đất nước”.

Tại đây, những con voi 3 tuổi bị tách khỏi mẹ và trải qua ba tháng học cách sống chung với con người và cách chào, hôn, ôm và bắt tay trong các buổi biểu diễn. Những con voi 15 tuổi sẽ được các quản tượng kỳ cựu đào tạo để chở khách.

Ittipan Kharwlamai cho biết thêm: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến chúng tôi phải chuyển hướng sang du khách địa phương và tìm những cách mới để giới thiệu voi. Chúng tôi dự định xây dựng khu bảo tồn voi”, Ittipan cho biết.

Vào tháng 8, Làng voi Pattaya đã chuyển một số không gian nơi đây thành quán cà phê Mong Chang, nơi thu hút các gia đình và du khách trẻ tuổi đến trong một môi trường kiểu vườn thú safari.

Được thành lập năm 1973, Làng voi Pattaya giống như một khu rừng, trong đó 20 con voi và một đàn cừu, dê, hươu và vượn sống cùng nhau. Tại quán cà phê, du khách có thể nhâm nhi cà phê, ăn tráng miệng và ngắm voi từ ban công. Ngoài ra còn có sân khấu cho các chương trình tạp kỹ và một góc cho dịch vụ massage Thái.

Ngoài ra, những người kinh doanh ở đây còn mở dịch vụ tham quan trực tuyến trên Facebook có thu phí. Số tiền này dùng để nuôi voi và những con vật khác của trại. Nơi này còn cấm túi nhựa sử dụng một lần.

Trong khi đó, TAT đã rót khoảng 13,9 triệu baht vào dự án "Chuay Chumchon Chuay Chang Chuay Chat" (Giúp cộng đồng, giúp voi và giúp đất nước), với mục tiêu hỗ trợ voi, các quản tượng và nông dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Khoảng 109 trại với 1.545 con voi đã đăng ký tham gia dự án. TAT đã trả 9.500 baht (khoảng gần 7 triệu đồng) cho một con voi và những quản tượng phải đặt hàng thức ăn như cỏ napier, mía, chuối và dứa từ nông dân địa phương.

Để thúc đẩy du lịch trong nước, Tổng Cục du lịch Thái Lan có kế hoạch tạo ra các chương trình giáo dục cho học sinh và người dân địa phương bằng việc sắp xếp một chuyến đi trong ngày đến trại voi. Họ có thể tìm hiểu về voi thông qua các hoạt động vui chơi như spa cho voi. 

Thanh Thảo

Theo Bangkok Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Bắt đầu mùa ra biển làm ‘bà đỡ’ cho những mẹ...

0
(SGTT) - Vào hè, nhiều bãi biển trên cả nước lại chào đón những cá thể rùa lên đẻ trứng, đây cũng là thời...

Giao rùa biển quý hiếm từ thông tin của báo SGTT...

0
(SGTT) - Ngày 19-5, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận và bàn giao 1 cá...

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể rùa biển 7kg...

0
(SGTT) - Trong quá trình mua hải sản ở Tiền Giang, một đàn ông phát hiện cá thể rùa biển nên mua lại. Người...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Chung tay ngăn chặn mua bán chim hoang dã

0
(SGTT) - Ngày 19-4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế...

Kết nối