Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Mang thế giới tự nhiên vào nhà

Non bộ, đá cảnh được xem là thú chơi tao nhã của người Sài Gòn. Đặc biệt là giới có tiền, bởi số tiền để làm một hòn non bộ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Phong trào chơi hòn non bộ, đá cảnh của người Sài Gòn nở rộ vào những thập niên 1990. Nhưng đến nay thú chơi này vẫn ngày một thu hút không ít người tìm đến.

Có nhiều cơ sở chế tác non bộ, buôn bán đá cảnh tự nhiên ở trên những đường như Trường Chinh; phường Tây Thạnh, quận Tân Phú; đường Xuyên Á, quốc lộ 22; Thành Thái, quận 10; xa lộ Hà Nội, quận 2. Khi đến những con đường này, người chơi non bộ có thể tìm kiếm, lựa chọn những mẫu hòn non bộ được làm sẵn để trong chậu hoặc gặp chủ nhân của các cơ sở để xem hình mẫu và nhờ họ về tận nhà thiết kế cho một hòn non bộ theo ý riêng.

Phải có không gian thích hợp cho non bộ

Non bộ có hai loại, loại có nước gồm có hồ, máy bơm nước để tạo thành suối hoặc thác. Còn non bộ khô – đá cảnh tự nhiên nguyên khối theo phong cách Nhật thì không có nước mà thay vào đó là các loại sỏi, nhà sàn, nhà tranh, cầu tre bằng gốm... trang trí.

Nghệ nhân Trần Tấn bên tác phẩm non bộ của mình.
Nghệ nhân Trần Tấn bên tác phẩm non bộ của mình.

Nghệ nhân Trần Tấn, chủ cở sở Sơn Thủy (Sáu Tấn), người có nhiều tác phẩm đạt huy chương vàng tại Hội hoa xuân Tao Đàn nhiều năm liền cho biết: “Non bộ là một thú chơi đầy tốn kém và người chơi phải chấp nhận đầu tư thì mới mong có được hòn non bộ đẹp theo ý mình”. Và, theo ông thì non bộ là một thú chơi nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì vô giá, bởi có không ít hòn non bộ chỉ vỏn vẹn là một hòn đá tự nhiên cao hơn gang tay nhưng có dáng và thế đẹp, trị giá cũng vài triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đồng.

Ông Minh, một người chơi non bộ lâu năm cho rằng: “Chơi non bộ khác với chơi xe cổ, đồng hồ hay tem, vì khi bỏ tiền ra để mua hay nhờ nghệ nhân đến tận nhà thiết kế, người chơi phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ. Nhưng rồi vì lý do nào đó, không muốn chơi nữa thì không thể sang nhượng hay bán lại cho người khác được”. Bởi theo ông, người chơi luôn đặt tâm tư, tình cảm, ý riêng vào tác phẩm non bộ đó. Chẳng hạn, tùy theo tính cách, công việc làm ăn mà mỗi người chọn non bộ có dáng thế khác nhau như người làm ăn buôn bán thì chọn hòn non bộ tam sơn; người muốn gia đình hạnh phúc, con cháu làm ăn phát tài phát lộc thì chọn kiểu phước lộc thọ...

Ông Cường, chủ một doanh nghiệp đồ gỗ vừa đầu tư hơn 50 triệu đồng để thiết kế hòn non bộ ngũ hành sơn cao hơn 4 m, chia sẻ: “Lúc trước chưa có hòn non bộ, sau giờ làm tôi chỉ đi nhậu. Giờ dành nhiều thời gian để chăm sóc, tưới tắm cho non bộ hàng ngày. Gần gũi với thiên nhiên cảm thấy tinh thần sảng khoái lắm!”.

Theo nghệ nhân Trần Tấn, muốn có một hòn non bộ, tiểu cảnh làm bằng đá cảnh tự nhiên đạt chất lượng, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến không gian nơi đặt để non bộ hay tác phẩm đá tự nhiên. Từ đó, khi đưa tác phẩm vào thì mới làm nổi bật lên cái hồn của tác phẩm.

Đá vô tri nhưng nhiều khi... biết nói

Với nhiều người chơi non bộ, đá cảnh theo kiểu “chơi cho có”. Nhưng đối với các nghệ nhân hay các nhà sưu tầm non bộ, đá cảnh lâu năm thì để có một tác phẩm nghệ thuật “hút hồn” được người xem họ phải dày công sưu tầm, đục đẽo từng cục đá; lựa chọn dáng, thế cây trồng lên non bộ sao cho đẹp là điều không đơn giản. Từ vật liệu đá, cây, ngư tiều, nhà sàn, cầu tre, muôn thú... gắn lên non bộ tạo cảm giác đó là một phong cảnh thiên nhiên thu nhỏ, gần gũi với làng quê, sông nước....

Ông Hàn Tấn Quang, nhà sưu tầm và đang sở hữu bộ sưu tập đá cảnh tự nhiên mang tên Thạch Thiền gồm hơn 200 tác phẩm sưu tầm từ hơn 20 năm qua, cho biết: “Trong thế giới của đá nghệ thuật, nó thật muôn hình vạn trạng. Có thể với người này đó là một hòn đá bình thường, nhưng với người khác, nó là một hòn đá vô giá. Không thể tính bằng tiền, bởi nghệ thuật mà nói chuyện tiền nong nó kỳ lắm!”.

Ông Tấn Quang chia sẻ thêm: “Đá có nhiều nguồn lắm, từ bạn bè trao đổi qua lại hay những người bỏ công đi tìm cho mình thì mình phải gởi lại người ta chút quà. Rồi đích thân mình lên rừng, xuống biển để tìm, thấy có hòn đá nào đẹp thì mang về tắm rửa, kỳ cọ”. Nếu chỉ nghe kể, mà không tận mắt chứng kiến bộ sưu tập của ông, chắc không ai tin một người bận rộn với nhiều công việc lại có thể làm được như thế!

Và, để thưởng lãm non bộ, đá cảnh đòi hỏi phải có trình độ về thẩm mỹ, nghệ thuật, tư duy trừu tượng phong phú mới hiểu hết tâm ý của người nghệ nhân và chủ nhân tác phẩm đá nghệ thuật. Để đến với thú chơi này, ông Tấn Quang nói: “Khi về nhà, được thả hồn vào những tác phẩm non bộ, đá nghệ thuật tự nhiên thấy người mình tĩnh tâm, cân bằng lại làm vơi đi những lo toan cuộc sống thường ngày”.

Tấn Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Sinh viên đăng ký làm lao động thời vụ năm...

0
(SGTT) - Theo trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cho quý 4 năm...

Bữa trưa đầu tuần chọn nui nấu thịt bò bằm

0
(SGTT) – Sau những ngày cuối tuần tiệc tùng, bữa trưa đầu tuần của mọi người nên chọn món nước dễ ăn, nhanh gọn....

Trải nghiệm phiên chợ vùng cao tại Làng Văn hóa –...

0
Từ ngày 1-12-2024 đến 1-1-2025, sự kiện "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025" sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa -...

Ngành du lịch nỗ lực để thu hút dòng du khách...

0
(SGTT) - Chiếm gần 1/4 dân số thế giới, cộng đồng người theo đạo Hồi là đối tượng khách du lịch đặc biệt và...

Dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào...

0
(SGTT) - Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và 2,5 triệu...

Tặng hơn 5.000 vé di chuyển về quê đón Tết cho...

0
(SGTT) - Hơn 5.000 vé máy bay, vé xe ô tô sẽ được dành tặng cho sinh viên, thanh niên công nhân và người...

Kết nối