Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Cao su gặp khó vì… chất lượng tốt

Hiện tại, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống gần bằng với giá thành nhưng cao su vẫn khó tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại nhập khẩu cao su nguyên liệu về để làm săm, lốp (ruột, vỏ) xe.

Nhập để làm lốp xe

Mới đây, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước. Mục đích chính của hội thảo là để các công ty trồng cao su và công ty sản xuất săm lốp xe máy, ô tô cùng ngồi với nhau, tránh trường hợp bên trồng cao su bán không được, còn bên sản xuất săm lốp lại phải nhập từ các nước trong khu vực.

Tại hội thảo, số liệu thống kê được cơ quan chức năng đưa ra, trong gần một triệu tấn cao su thiên nhiên sản xuất mỗi năm của Việt Nam, đa phần là cao su chất lượng tốt (SVR3L). Trong lúc này, những loại cao su chấp lượng thấp như SVR10, SVR20 dùng để sản xuất săm, lốp xe… thì các công ty lại phải nhập khẩu về với một lượng tương đương 1/3 lượng cao su trong nước sản xuất được.

Quy trình khai thác lâu nay của Việt Nam thông thường cho ra sản phẩm cao su chất lượng tốt. Ảnh: Trần Mạnh
Quy trình khai thác lâu nay của Việt Nam thông thường cho ra sản phẩm cao su chất lượng tốt. Ảnh: Trần Mạnh

Ông Hà Phước Lộc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, cho biết hiện công ty đang sản xuất nhiều mặt hàng săm lốp xe máy, ô tô, thậm chí lốp cho xe tải trọng lớn và nguyên liệu để sản xuất lốp từ cao su SVR10 là chính, còn cao su RSS hay SVR3L nhu cầu rất ít. “Hiện mỗi năm, công ty cần đến 18.000 tấn cao su để sản xuất với khoảng 70% là cao su SVR10 nhưng nguồn cung trong nước hạn chế”, ông Lộc nói.

Không chỉ riêng gì Công ty Cao su Đà Nẵng, những công ty sản xuất săm lốp xe máy, ô tô trong nước lẫn các công ty liên doanh nước ngoài cũng ở trong tình trạng “chưa tìm được” nguồn cung cao su trong nước phù hợp với nhu cầu sản xuất. Theo lý giải của ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), lâu nay ngành cao su trong nước chủ yếu sản xuất cao su chất lượng cao như SVR 3L là do “lịch sử để lại”. Theo đó, cao su ở Việt Nam được khai thác đầu ngày nên chất lượng cao trong khi có nhiều nước, họ khai thác vào cuối ngày, khi nhựa cao su đã đông lại.

Một đại diện trong ngành sản xuất săm, lốp xe cho biết nhu cầu sản xuất những mặt hàng này không cần loại cao su cực tốt. Thông thường, loại SVR10, SVR20 có giá thấp hơn loại SVR3L khoảng 200 đô la Mỹ/tấn. Doanh nghiệp cần nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để sản xuất và không có lý do gì họ phải chi thêm tiền để mua loại cao su tốt hơn.

[box type="bio"] Hiện cao su Việt Nam xuất sang 72 thị trường nhưng sáu thị trường là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ chiếm 70%. Nghĩa là Việt Nam đang xuất cao su SVR3L chất lượng cao sang những thị trường này và nhập cao su chất lượng thấp hơn để sản xuất săm lốp.[/box]

Bán hàng tốt nhưng không mua

Theo giải thích của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cao su SVR 3L là loại tốt và đây chính là dạng cao su nước, được thu hoạch vào sáng sớm, chỉ vài giờ sau khi cạo xong. Đối với loại có phẩm cấp kém hơn như SVR10, hay SVR20, người ta sẽ để đến cuối ngày mới thu hoạch, khi cao su đã đông lại, kèm theo đó là một lượng tạp chất nhất định.

Tại sao Việt Nam không có cao su chất lượng thấp hơn để phục vụ cho các công ty trong nước? Ông Thuận cho rằng vào những lúc giá cao su thiên nhiên ở mức cao, có thời điểm mỗi tấn cao su có giá 3.000 đô la Mỹ (tương đương khoảng 62 triệu đồng/tấn), các công ty sản xuất ra được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu dù đó là sản phẩm nào. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng cao su phẩm cấp kém hơn không còn trong nước. Song, hiện tại cung đang vượt quá cầu và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế mấy năm nay nên giá cao su trong những tháng qua chỉ ở mức trên dưới 40 triệu đồng/tấn, gần bằng giá thành nhưng các công ty chào bán không được. “Trước đây, chúng tôi sản xuất được bao nhiêu là bán được giá cao nhưng nay do thị trường ảm đạm nên quay lại tìm kiếm đơn hàng từ các công ty sản xuất săm lốp trong nước thì hai bên lại không gặp nhau do bên mua chỉ cần mua cao su có chất lượng thấp. Vậy đấy, chất lượng tốt quá cũng không hay trong bối cảnh hiện nay”, ông Thuận nói.

Từ những khó khăn do không bán được hàng, ông Thuận cho rằng đây chính là thời điểm để các công ty trồng cao su trong nước tái cơ cấu và xem lại kế hoạch sản xuất kinh doanh để làm sao đa dạng hóa thị trường.

[box type="bio"] Theo thông tin của Bộ NN&PTNT, trong bảy tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 451.000 tấn cao su với giá trị 828 triệu đô la Mỹ, giảm 10% về khối lượng và giảm 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm 2014 đạt 1.870 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2013.[/box]

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam báo lãi 5.179...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2021, doanh thu và thu nhập khác ước...

Hội Nhà báo ký thỏa thuận tăng cường thông tin ngành...

0
(SGTTO) - Hội Nhà báo TPHCM và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chiều nay, 28-8 tại trụ sở hội đã...

Cao su rớt giá, doanh nghiệp vẫn sống khỏe

0
Ngọc Hùng Năm 2014, là một năm khó khăn của ngành cao su, và dự báo 2015 vẫn là một năm mà giá bán cao...

Kết nối