Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

6 sai lầm khi mua hàng qua trang TMĐT

(SGTT) - Không chú ý đến uy tín của cửa hàng, sa đà vào những lời gợi ý mua sắm của trang thương mại điện tử và vội vàng vứt bỏ hộp và hóa đơn ngay sau khi mua sắm là ba trong số nhiều điều sai lầm mà người mắc phải khi mua hàng tại đây.

Không cần bàn cãi về tính thuận tiện khi mua hàng hóa qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) vì đó là sự thật hiển nhiên. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua từ những sản phẩm có giá trị lớn như máy lạnh, xe máy… cho đến những món hàng thiết yếu như giấy ăn, sữa tắm… và được giao đến tận cửa nhà. Phương thức mua hàng này giúp con người tiết kiệm nhiều thời gian nhưng nó thực chất vẫn là nơi diễn ra giao dịch giữa người mua và bán (như chợ hay cửa hàng) nên cũng có những mặt trái của nó mà nếu không cẩn thận, người mua vẫn có thể mắc phải nhiều sai lầm, gây lãng phí tiền bạc và thời gian.

1. Không chú đến uy tín của cửa hàng
Tại các trang TMĐT, các mặt hàng do sàn TMĐT đó hoặc các cửa hàng trực tuyến – của những cá nhân, hộ kinh doanh hay công ty có đăng ký bán hàng với sàn đó – phân phối. Vì vậy, dễ thấy cùng một loại mặt hàng bày bán trên sàn nhưng có sự khác biệt về giá bán và chất lượng hàng. Người mua hàng có thể vì không biết thực tế này, có khi vì vội, chủ quan đã không tìm hiểu kỹ về độ uy tín của cửa hàng. Theo đó, khách hàng không chú ý đọc các nội dung bình luận, ý kiến đánh giá về cửa hàng cũng không vào xem xét kỹ gian hàng hay trò chuyện với nhân viên bán hàng để kiểm tra uy tín của cửa hàng trước khi mua. Kết quả là, khi mua hàng hóa từ các cửa hàng không đủ uy tín thì chất lượng cũng không được bảo đảm. Đôi lúc, hàng hóa mua về khác hoàn toàn so với hình ảnh trên mạng.

2. Tâm lý “cùng lắm thì bỏ”
Có rất nhiều hàng hóa có giá bán “rẻ như cho” trên trang TMĐT. Trước sức hấp dẫn khó cưỡng về giá đó, nhiều khách hàng trong thoáng chốc đã bỏ qua yếu tố “chất lượng” để mua hàng. Điều gì đến sẽ đến. Hàng mua về không dùng được, đành phải vứt bỏ hoặc để mãi trong tủ. Tuy rằng người mua có thể tự an ủi mình rằng tiền bỏ ra mua món hàng đó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng nhiều món hàng kiểu “cùng lắm là bỏ” như vậy cộng lại cũng sẽ gây lãng phí tiền bạc và chiếm thêm diện tích trong không gian ngôi nhà.

3. Lòng vòng chuyện thanh toán
Phương thức thanh toán qua thẻ rất thuận lợi vì hiện nay các sàn TMĐT đều có liên kết với rất nhiều ngân hàng. Điều này mang lại sự thuận tiện khi giao dịch cho khách hàng song nhược điểm là gây trở ngại cho khách hàng khi họ không ưng ý với sản phẩm, sẽ phải tiến hành đổi trả với quy trình khá nhiêu khê.

Còn thanh toán bằng tiền mặt thì khi nhận hàng, kiểm hàng mà không ưng ý vẫn có thể từ chối nhận hàng, tránh được các thủ tục đổi trả rườm rà. Tuy vậy, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích hơn. Theo đó, khách hàng khi đã kiểm tra kỹ lưỡng uy tín cửa hàng, trao đổi cụ thể về thông tin sản phẩm, vẫn có thể tự tin sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ theo xu hướng chung.

4. Sự gợi ý xem thêm hàng
Sau khi mua một món hàng trên trang TMĐT, khách hàng thường nhận được những nội dung gợi ý của trang TMĐT ấy về những món hàng có liên quan mà có thể khách hàng cũng sẽ thích. Điều này thuận tiện với khách hàng vì sẽ giúp họ lựa chọn hàng hóa ưng ý nhanh hơn trước một ma trận hàng hóa trên các trang TMĐT. Có điều là kiểu quảng cáo này có thể “dẫn dắt” khách hàng sa đà vào việc mua hàng hóa mình không thực sự cần.

Do đó, trước những mẩu quảng cáo hay lời gợi ý mua sắm có hấp dẫn đến đâu, khách hàng cần tỉnh táo cân nhắc trước khi bấm chọn “bỏ vào giỏ hàng” và thanh toán.

5. Không giữ lại hộp và hóa đơn
Nhiều khách hàng thường vứt bỏ hộp và hóa đơn mua hàng ngay sau khi bóc món hàng ra mà không biết rằng điều này có thể sẽ gây bất lợi về sau.
Thiếu hóa đơn và hộp khi mua hàng đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không thể đổi trả hàng hóa nếu có phát sinh sự cố. Đôi khi vấn đề không phát sinh ngay sau khi nhận hàng mà mãi đến vài ngày hoặc một tuần sau đó mới xảy ra vấn đề. Do đó, khách hàng nên giữ lại hộp và hóa đơn để phòng khi cần đổi trả về sau.

6. Chọn địa điểm giao hàng không hợp lý
Thông thường, khách hàng chọn lựa địa điểm giao hàng là nhà riêng hoặc công ty. Ở một số thời điểm, việc chọn nhà riêng để nhận hàng sẽ thuận tiện, nhưng ở thời điểm khác điểm giao hàng này không tiện bằng địa điểm nhận là công ty. Tuy nhiên, hồ sơ cá nhân trên trang TMĐT thường có một địa chỉ được mặc định do khách hàng khai báo từ ban đầu.
Khi đặt hàng, nhiều khách hàng quên không sửa đổi lại địa chỉ mặc định này thành địa chỉ khác phù hợp hơn (chẳng hạn, địa chỉ công ty hay địa chỉ nhà người quen). Kết quả là, khi hàng hóa được giao đến địa chỉ mặc định, khách hàng lại không có ở đó để nhận dẫn đến việc phải hẹn lại người giao hàng vào thời gian khác. Nếu khách hàng cần có món hàng đặt mua gấp, điều này sẽ gây tốn thời gian và bất tiện.

Tâm Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Một nhà bán hàng B2B Việt được Alibaba.com tôn vinh

0
(SGTT) - Bà Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline được Alibaba.com vinh danh là nhà...

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn...

0
(SGTT) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào...

ShopeePay bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử...

0
(SGTT) - Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ShopeePay do không...

Vì sao Temu tới Việt Nam?

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, trong đó, sản...

Temu và lỗ hổng quảng cáo

0
(SGTT) - Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ tại điều 20 về điều kiện quảng cáo: “Quảng cáo về hoạt động kinh...

Nhà sản xuất nhỏ ‘liêu xiêu’ trước làn sóng hàng giá...

0
(SGTT) - Các cơ sở gia công sản xuất tiêu dùng trong nước ngày càng bị đuối sức và “thoi thóp” trước làn sóng...

Kết nối