Nhật Bản vừa công bố chiến lược tăng trưởng xanh nhằm đạt đưa khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050. Trọng tâm của chiến lược này là cấm xe chạy xăng và tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo.
- Xe điện có phải là giải pháp chống ô nhiễm môi trường?
- Đại học Nam Cần Thơ ra mắt xe điện tự chế
- Cháy pin xe điện: Thách thức mới cho các hãng xe
Năng lượng xanh sẽ chiếm 50-60% cơ cấu sản lượng điện
Hôm 25-12, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) công bố chiến lược ‘tăng trưởng xanh’, đặt ra lộ trình phát triển và mục tiêu cho 14 ngành như điện gió xa bờ, hydrogen, nhiên liện ammoniac, ô tô, pin xe điện, nông nghiệp, hàng không, hàng hải...
Chính phủ Nhật Bản dự báo nhu cầu điện của đất nước sẽ tăng 30-50% so với mức hiện nay. Theo chiến lược tăng trưởng xanh, Nhật Bản sẽ tập trung triển khai năng lượng tái tạo ở mức tối đa với mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng tái tạo lên mức 50-60% cơ cấu sản lượng điện của nước này vào năm 2050, tăng so với tỷ lệ 18% vào năm ngoái.
Phần sản lượng điện còn lại sẽ đến từ các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện than sử dụng công nghệ thu giữ carbon và nhà máy điện sử dụng hydrogen và ammonia.
Nhật Bản sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ hydrogen hàng năm lên 20 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu trong lĩnh vực vận tải và sản xuất điện. Năm 2017, mức tiêu thụ hydrogen của Nhật Bản chỉ là 200 tấn. Nước này cũng đặt mục tiêu bắt buộc tất cả các dự án nhà ở và công trình mới phải được xây dựng dựa trên công nghệ không phát thải carbon vào năm 2030.
Giáo sư Yukari Takamura ở Đại học Tokyo, nhận định: “Chính phủ Nhật Bản đặt ra những mục tiêu tham vọng để đưa khí thải carbon về mức zero ròng vào năm 2050. Việc đặt ra mục tiêu và định hướng sách rõ ràng trong chiến lược tăng trưởng xanh sẽ khuyến khích các công ty đầu tư vào công nghệ của tương lai”.
Để thúc đẩy năng lượng xanh, Nhật Bản sẽ nâng công suất lắp đặt điện gió xa bờ lên 10 GW vào năm 2030 và con số này sẽ lên 45 GW vào năm 2040 đồng thời giảm chi phí sản xuất điện gió về mức 8-9 yen (1.800-2.000 đồng VN)/kWh trong giai đoạn 2030-2035.
Cấm bán xe chạy xăng vào năm 2035
Một nội dung gây chú ý trong chiến lược tăng trưởng xanh là Nhật Bản sẽ cấm bán xe chạy xăng mới vào năm 2035 để khuyến khích sử dụng xe điện bao gồm cả xe chạy bằng pin nhiên liệu (pin hydro) và xe lai xăng-điện (hybrid).
Để tăng tốc phát triển xe điện, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất pin, một bộ phận quan trọng của xe điện, xuống mức dưới 10.000 yen (97 đô la)/ kWh vào năm 2030, tức giảm 50% so với hiện nay. Với chi phí pin giảm mạnh, Nhật Bản kỳ vọng giá bán xe điện sẽ về mức ngang bằng với xe chạy xăng vào thập niên 2030.
Báo cáo của METI bày tỏ lo ngại châu Âu và Trung Quốc đang vượt lên trước Nhật Bản về tốc độ phổ cập xe điện. Theo báo cáo, trong quí 3-2020, doanh số xe điện và xe lai xăng-điện ở chây Âu tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên con số 270.000 chiếc. Trong cùng quí, doanh số xe điện và xe lai xăng-điện của Nhật Bản chỉ khoảng 6.000 chiếc.
Hồi đầu tháng 12, Thống đốc Tokyo, Yuriko Koike cũng thông báo kế hoạch cấm bán xe chạy xăng ở Tokyo vào năm 2030. Kế hoạch cấm bán xe chạy xăng của Nhật Bản theo sau các động thái tương tự của bang California (Mỹ) và nhiều nước lớn ở châu Âu. Kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ các lãnh đạo của ngành công nghiệp ô tô ở Nhật Bản, nơi sản xuất hàng triệu xe mỗi năm, chủ yếu chạy bằng động cơ đốt trong.
Hồi đầu tháng, ông Akio Toyoda, này, chủ tịch hãng xe Toyota và cũng là chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, cảnh báo nếu Nhật Bản vội vã cấm bán xe chạy xăng để chuyển sang xe điện, thì "mô hình kinh doanh hiện tại của ngành công nghiệp ô tô sẽ sụp đổ". Ông cũng cho rằng rằng mạng lưới điện hiện nay của Nhật Bản không thể xử lý nhu cầu năng lượng tăng thêm vào mùa hè.
Theo chiến lược tăng trưởng xanh, chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp các chính sách ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ khác để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ xanh bao gồm kế hoạch thiết lập quỹ đầu tư xanh trị giá 2.000 tỉ yen (19 tỉ đô la). Nhật Bản dự báo giá trị kinh tế được tạo ra nhờ đầu tư vào năng lượng xanh sẽ đạt 90 ngàn tỉ yen (870 tỉ đô la) vào năm 2030 và 190 ngàn tỉ yen (1.800 tỉ đô la) vào năm 2050.
Khánh Lan
Theo TBKTSGO, Reuters, WSJ
Xem kết quả