(SGTT) - Bản tin dịch Covid-19 ngày 11-9 của Bộ Y tế cho biết cả nước có 13.321 ca mắc Covid-19, TPHCM vẫn là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với 5.629 ca.
- Đề xuất sau ngày 15-9 cho người đã tiêm vắc-xin tại TPHCM được đi làm
- Vì sao không cho chủ quán ăn đã tiêm vắc-xin đi giao hàng luôn?
Tính từ 17:00 ngày 10-9 đến 17:00 ngày 11-9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.932 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 11.927 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, TPHCM (5.629), Bình Dương (3.971), Đồng Nai (960), Long An (337), Kiên Giang (165), Tiền Giang (147), Tây Ninh (137), An Giang (107), Khánh Hòa (46), Cần Thơ (46), Quảng Bình (38), Hà Nội (35), Đồng Tháp (34), Bà Rịa - Vũng Tàu (32), Quảng Ngãi (32), Bình Phước (31), Bình Thuận (31), Bình Định (19), Đà Nẵng (19), Đắk Lắk (18), Phú Yên (17), Sơn La (16), Quảng Nam (14), Sóc Trăng (11), Nghệ An (6), Đắk Nông (5), Ninh Thuận (5), Bạc Liêu (4), Thanh Hóa (3), Hưng Yên (3), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Bắc Ninh (2), Thừa Thiên Huế (1), Hà Tĩnh (1), Bến Tre (1) trong đó có 5.169 ca trong cộng đồng.
Sở Y tế Thừa Thiên Huế báo cáo đính chính: 2 ca nhập cảnh đã được thông báo vào ngày 9-9-2021 điều chỉnh lại thành 2 ca nhiễm ghi nhận trong nước.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.379 ca. Tại TPHCM giảm 1.910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.867
Bão số 5 dự kiến đổ bộ sáng mai, nguy cơ ngập lụt ở 40 huyện miền Trung
Theo VietNamNet, chiều 11-9, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 5.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện tại bão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 130-140km, tốc độ di chuyển chậm, cường độ hiện tại cấp 9.

Dự báo 6-12 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ chậm, cường độ suy yếu dần với khoảng cấp 8. Ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh, trên đất liền tại Đà Nẵng theo quan trắc cách đây 30 phút có gió giật cấp 5-6.
Về dự báo quốc tế, hiện nay có một số sự khác biệt nhất định, nhìn chung xu thế đi vào khu vực Trung Trung Bộ, tốc độ suy yếu khi tiến sát vào bờ.
Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số khu vực có thể xảy ra nguy cơ ngập cục bộ, tập trung vào TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng. Một số huyện ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
138,4 triệu liều vắc-xin dự kiến về trong năm 2021
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 11-9, Bộ Y tế cho biết cả nước đã thực hiện tiêm hơn 27 triệu trên tổng số hơn 34 triệu liều vắc-xin đã nhập, theo thống kê từ cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tính tới ngày 10-9.
Số vắc-xin chưa tiêm hiện tập trung tại một số địa phương và đơn vị gồm: TPHCM – 1,4 triệu liều, Hà Nội – 1,1 triệu liều, Đồng Nai – 500.000 liều, Bình Dương – 600.000 liều, Long An – 300.000 liều, Quân đội – 572.630 liều, Công an – 294.000 liều. Trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8-9.

Về tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, TPHCM và Long An đã đạt tỷ lệ 100%. Con số này Bình Dương, Hà Nội và Đồng Nai lần lượt là 82%, 77% và 60%. Còn tỷ lệ tiêm mũi 2 tại TPHCM và Hà Nội lần lượt là 13% và 10%.
Về hoạt động nhập vắc-xin phòng Covid-19, Việt Nam dự kiến nhận khoảng 103,4 triệu liều từ nay đến cuối năm 2021, gồm: 22,8 triệu liều tính tới hết tháng 9; 31,2 triệu liều trong tháng 10; 23,9 triệu liều trong tháng 11; 25,5 triệu liều trong tháng 12. Như vậy, số lượng vắc-xin về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều.
Hiện số lượng vắc-xin đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ là 159,97 triệu liều, gồm: nhận 38,9 triệu liều qua cơ chế COVAX; mua 30 triệu liều của AstraZeneca; mua 51 triệu liều của Pfizer; nhận tài trợ 25 triệu liều từ một doanh nghiệp; nhận viện trợ khoảng 15 triệu liều.
Minh Hoàng tổng hợp