(SGTT) - Dịp Tết Ất Tỵ 2025, trại rắn Đồng Tâm tại Tiền Giang là một lựa chọn cho du khách đang tìm kiếm một điểm đến độc đáo. Chỉ cách TPHCM hơn 2 giờ lái xe, nơi đây được ví như "căn cứ địa" của hơn hàng trăm loài rắn, hứa hẹn mang đến trải nghiệm mới lạ cho những ai yêu thích khám phá.
- Cây bồ đề buông rễ ‘ôm’ ngôi đình trăm tuổi ở Tiền Giang
- Về Tiền Giang thăm lăng mộ thân phụ thái hậu Từ Dụ
Trại rắn Đồng Tâm, có tên gọi chính thức là Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Cục Hậu cần Kỹ thuật Quân khu 9, tọa lạc trên khu đất rộng 12 héc ta thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, trung tâm đang bảo tồn các cá thể rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, bao gồm nhiều loài rắn cực độc đang có nguy cơ tuyệt chủng, cùng với một số loài động vật quý hiếm khác.
Trại rắn Đồng Tâm được thành lập ngày 27-10-1997 theo sáng kiến của Bác sĩ Trần Văn Dược - người có kiến thức chuyên sâu về rắn và say mê với công việc nguy hiểm này. Ban đầu mục đích thành lập của trung tâm là để bảo tồn quỹ gen của các loại rắn quý hiếm nằm trong Sách Đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trại rắn đồng Tâm hiện đang bảo tồn hơn 1.000 cá thể các loại rắn như hổ mang chúa, du khách còn bắt gặp hổ mèo, hổ lãi, hổ ngựa, hổ hành, hổ hèo, hổ mang (hổ đất), hổ lửa (hổ hồng), hổ lác (rắn lác)... Về rắn lục có lục dây cương, lục cườm, lục dồ, lục mỏ dọ...
Tại trung tâm, nếu như các loại rắn độc được nuôi trong chuồng có lưới sắt, thì những loại rắn không độc như rắn nước, rắn ráo, rắn lục xanh, rắn lục kim, rắn hổ ngựa… được nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên.
Ngoài công tác bảo tồn, trại rắn Đồng Tâm được biết đến là nơi điệu trị rắn độc cắn cho người dân. Theo Trung tá, Bác sĩ Lê Văn Tâm "Mỗi năm cơ sở điều trị khoảng 1.200 trường hợp người bị rắn độc cắn. Các trường hợp này đến từ nhiều các nơi như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long ngoài ra còn có nước bạn như Lào, Campuchia".
Ngoài nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, điều trị rắn cắn và nuôi trồng dược liệu để sản xuất thuốc, nơi đây còn tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, thu hút đông đảo du khách nhờ hệ sinh thái độc đáo và phong phú của loài rắn.
Khi bước vào trại rắn, du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về nơi đây và những điều cần lưu ý trước khi bước vào hành trình khám phá.
Tại trại rắn đồng tâm được chia làm nhiều khu vực khác nhau chẳng hạn như khu hồ nước với độ sâu khoảng 30 đến 40cm, những bức tường ở khu này đều được xây cao ngang ngực người lớn và có môt cửa ra vào. Giữa hồ là một 'tiểu đảo' được trồng một số loại cây có tán thấp. Khu này nuôi các loài rắn điển hình như: nuôi rắn lục mỏ dọ, rắn lục đuôi đỏ, rắn ri cá… nơi tiểu đảo, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ẩn của cóc, nhái, ễnh ương… đây là nguồn thức ăn cho rắn.
Một trải nghiệm khác mà du khách cũng không nên bỏ qua chính là xem trình diễn lấy nọc rắn. Từ năm 2022, Trại rắn Đồng Tâm tổ chức hoạt động trình diễn lấy nọc rắn, hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách đến xem vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Qua thao tác lấy nọc của rắn hổ mang đất, rắn lục đuôi đỏ, cạp nong..., nhân viên trại rắn sẽ phổ biến kiến thức về các loài rắn độc để phòng tránh, cấp cứu đúng cách.
Ngoài khu vực hồ nước nuôi và chăm sóc các loài rắn hiền, ở trung tâm này sẽ có khu vực nuôi rắn độc. Trung tâm hiện đang có đến vài trăm con rắn hổ chúa, một con rắn hổ chúa trưởng thành có trọng lượng từ khoảng 6kg chiều dài có thể đạt từ 3 đến 4m.
Người nuôi rắn độc trước khi mở cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc tấn công người. Người chăm sóc rắn chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, người nuôi phải thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời.
Đặc biệt, trong khuôn viên có bảo tàng rắn xây dựng năm 1996 trưng bày gần 100 loài rắn quý hiếm, lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện có ở Việt Nam.