(SGTT) - Tôm và hàu là hai loại hải sản phổ biến từ trong bữa cơm gia đình cho đến bữa ăn lai rai, tụ tập của người Việt. Tuy nhiên, trong chúng lại chứa lượng hạt vi nhựa không tốt cho sức khỏe con người.
- Hiểu hơn về những loại hoa ăn được trong ẩm thực
- Phương pháp nấu ăn Bain-Marie, người nội trợ nào cũng từng áp dụng
- Nguyên tắc "Less Is More" trong nghề đầu bếp
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Cơ quan Hóa chất Châu Âu, vi hạt nhựa là những mảnh nhựa có chiều dài dưới 5mm. Các nhà nghiên cứu EPA của Mỹ định nghĩa vi nhựa là các hạt nhựa có kích thước từ 1 nanomet đến 5 mm, hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nylon, đồ dùng bằng nhựa… thải ra môi trường.

Một nghiên cứu tháng 3-2024 phát hiện ra rằng những người có hạt vi nhựa trong động mạch cổ có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao gấp đôi trong vòng ba năm so với những người không có hạt này.
Thực tế, vi nhựa khi xâm nhập vào cơ thể khả năng làm gián đoạn quá trình sinh học và mang theo các hóa chất như bisphenol, phthalate, PFAS và kim loại nặng phát tán vào máu và di chuyển đến gan, thận, não… ảnh hưởng hô hấp, gây dị ứng, tổn thương thần kinh thậm chí gây nên sự phát triển tế bào ung thư.
Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhiều loại thực phẩm phổ biến có chứa vi nhựa. Theo CNN, một nghiên cứu vào tháng 2-2024 đã cho thấy 90% mẫu protein động vật và thực vật có chứa vi nhựa. Đáng chú ý, vi nhựa được tìm thấy trong nhiều loại hải sản mà mọi người vẫn ăn hằng ngày, trong đó hai loại hải sản là tôm và hàu rất được người Việt ưa chuộng.
Đầu tiên, tôm có chứa nhiều vi nhựa do đây là loài ăn sinh vật phù du - loại thực phẩm thường tập trung ở các dòng hải lưu, nơi cũng là điểm tập kết của vi nhựa. Tôm bán tại các cửa hàng cũng chứa nhiều sợi, mảnh nhựa do ảnh hưởng từ bao bì nhựa.
Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Environmental Research, xem xét các loại protein được tiêu thụ phổ biến, tôm lăn bột chiên giòn chứa nhiều vi nhựa nhất, với trung bình hơn 300 mảnh vi nhựa trên một khẩu phần.

Đến hàu, theo nghiên cứu của Đại học Hull (Vương quốc Anh), động vật thân mềm như hàu, vẹm, sò điệp… có tỷ lệ hạt vi nhựa trên mỗi gram cơ thể cao hơn cả tôm, cua. Hàu là một trong ba loại hải sản có mức độ nhiễm hạt vi nhựa cao nhất trong nghiên cứu này, đặc biệt là hàu bắt ở một số vùng biển châu Á. Nghiên cứu năm 2020 của Giáo sư Francisca Ribeiro (Viện Đại học Queensland, Australia) chỉ ra hạt vi nhựa tồn tại nhiều trong hàu.

Ngoài ra, các loại hải sản được chứng minh có chứa nhiều vi nhựa ở nghiên cứu này còn bao gồm mực, tôm sú nuôi, cua xanh và cá mòi. NutritionFacts.org cũng báo cáo rằng các loài cá như cá mú, cá mực, cá trê đầu bẹt và cá nhồng có thể chứa hàng trăm hạt vi nhựa trong mỗi 300g thịt cá.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng lượng vi nhựa trong hải sản không chênh lệch đáng kể so với các loại protein trên cạn như thịt gà, thịt bò và thịt lợn. Điều này cho thấy vi nhựa không chỉ ảnh hưởng giới hạn trong môi trường biển mà còn tác động đến nhiều nguồn thực phẩm khác.
Làm thế nào để hạn chế vi nhựa từ thực phẩm?Các nhà nghiên cứu khuyến nghị mọi người nên rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến để giảm phần nào lượng vi nhựa. Đồng thời, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế sử dụng bao bì dùng một lần để tránh rò rỉ hạt vi nhựa từ loại bao bì này. Thực phẩm tươi sống được chứng minh có ít vi nhựa hơn các thực phẩm chế biến sẵn như đồ đông lạnh, thức ăn nhanh, vậy nên hãy ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống trong chế độ ăn hàng ngày.
Theo CNN, today.com
Dễ quá 😂